Thị trường tiền tệ tuần 27/2 - 3/3:

Lãi suất vẫn thu hút mối quan tâm, tỷ giá giảm nhẹ

16:39 | 03/03/2023 Print
(TBTCO) - Sau một giai đoạn ngắn lãi suất có xu hướng hạ nhiệt khi nhiều ngân hàng công bố các chương trình hạ lãi suất, nhưng chuyện lãi suất lại trở thành chủ đề “ấm” lên do ảnh hưởng bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá lại cho thấy những tín hiệu khá lạc quan nhờ tác động của cán cân thương mại tiếp tục thặng dư lớn.

Lãi suất thu hút mối quan tâm từ quốc tế

Trong nửa cuối tháng 2/2023, các tín hiệu hạ lãi suất của một số ngân hàng diễn ra tiếp nối nhau đặt ra kỳ vọng về một xu hướng mới hình thành. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, thông tin kém tích cực từ các yếu tố kinh tế quốc tế lại gợi lên một số mối lo lắng về các khả năng ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong nước.

Lãi suất vẫn thu hút mối quan tâm, tỷ giá giảm nhẹ
Thị trường tiền tệ quốc tế có thể có những tác động đến thị trường trong nước. Ảnh: T.L
Lãi suất liên ngân hàng có tín hiệu tăng nhẹ trở lại Lãi suất cho vay điều chỉnh nhẹ nhưng vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế

Các thông tin xuất hiện tuần qua chủ yếu liên quan đến tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu đều có xu hướng tăng trở lại vào đầu năm 2023 sau một thời gian đã có phần dịu đi vào cuối năm 2022.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 1 tăng 0,6% so với tháng trước và 5,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao hơn mức tăng của tháng 12/2022 với mức tăng lần lượt là 0,2% và 5,3%.

Với diễn biến này, một số dự báo mới xuất hiện gần đây cho rằng, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ lại phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, thay vì nới lỏng dần dần từ quý II/2023 như nhiều dự báo đã được đưa ra vào cuối năm 2022. Với thị trường tiền tệ trong nước, bối cảnh này đặt ra những lo ngại về nỗ lực giảm lãi suất của ngành ngân hàng để hỗ nền kinh tế sẽ gặp những trở ngại trong thời gian tới.

Nhiều tỉnh, thành "vào cuộc" kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Tuần qua, nhiều tỉnh thành trong nước như: Quảng Bình, Quảng Nam, Lào Cai, Đắc Lắc, Hưng Yên, Hòa Bình, Bến Tre, Hà Giang… đã triển khai các hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đây là động thái của các địa phương nhằm thực hiện các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thúc đẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp tại các địa phương.

Trước đó, NHNN đã có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, trên cơ sở đó các chi nhánh NHNN địa phương và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Lãi suất vẫn thu hút mối quan tâm, tỷ giá giảm nhẹ
Nếu lãi suất đồng USD tăng trong thời gian tới thì đó sẽ là thông tin tiêu cực đối với giá vàng. Ảnh: T.L

Tỷ giá hạ nhiệt

Trong khi lãi suất xuất hiện các thông tin thiếu tích cực từ các yếu tố bên ngoài, thì diễn biến tỷ giá lại xoa dịu phần nào tâm lý của giới tài chính và kinh doanh.

Tỷ giá trong tuần qua diễn ra theo xu hướng đi xuống với mức giảm nhẹ. Đầu tuần, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 23.642 đồng/USD, bằng với cuối tuần trước. Sau đó, tỷ giá trung tâm tăng một phiên và giảm trong các phiên còn lại, ghi nhận mức 23.637 đồng/USD vào cuối tuần. Tính chung cả tuần, tỷ giá trung tâm giảm 5 đồng mỗi Đô la.

Lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ ở một số kỳ hạn

Trong tuần này, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ ở một số kỳ hạn so với cuối tuần trước. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm ghi nhận ở mức 5,97% (tuần trước là 6,06%); lãi suất 2 tuần và 1 tháng lần lượt là 5,91% và 7,18% (tuần trước lần lượt là 7,12% và 8,5%). Tuy nhiên, kỳ hạn 1 tuần lại tăng nhẹ từ mức 6,08% cuối tuần trước lên mức 6,28% vào tuần này.

Trong khi đó, tỷ giá USD do Vietcombank công bố hôm đầu tuần là 23.620/23.650/23.990 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra). Tuy nhiên, tỷ giá có xu hướng giảm dần trong từng phiên và dừng ở mức 23.510/23.540/23.880 đồng/USD và sáng hôm thứ sáu ngày 3/3.

Tỷ giá giảm trong tuần qua một phần do tâm lý lạc quan khi Tổng cục Thống kê công bố các số liệu xuất nhập khẩu tháng 2 tiếp tục có mức xuất siêu lớn hơn tháng 1. Riêng trong tháng 2/2022, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,3 tỷ USD; theo đó tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).

Diễn biến tỷ giá vẫn trong trạng thái ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào phần nào giảm bớt áp lực đối với lãi suất trong nước. Đây cũng là yếu tố có phần cân bằng lại trước những áp lực bất lợi từ thị trường tiền tệ quốc tế.

Vàng có thể gặp bất lợi về trung hạn

Tuần qua, giá vàng diễn biến theo xu hướng nhích tăng nhẹ, nhưng tâm lý chung thị trường cho thấy nhiều yếu tố bất lợi về trung hạn do những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường tiền tệ quốc tế có thể sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Hiện tại, những thông tin về việc FED có thể kéo dài các đợt tăng lãi suất vẫn chỉ là dự đoán, nhưng điều đó xảy ra thực sự thì đó sẽ là yếu tố bất lợi đối với giá vàng về mặt trung hạn.

Về diễn biến cụ thể về giá vàng trong nước, mở cửa thị trường ngày 27/2, giá vàng miếng 9999 SJC tại Hà Nội ghi nhận mức 66 triệu đồng/lượng mua vào và 66,72 triệu đồng/lượng bán ra. Sau đó, giá vàng đã có 2 phiên tăng, một phiên giảm và tăng nhẹ trở lại vào cuối tuần, ghi nhận mức giá vào sáng hôm 3/3 là 66,2 triệu đồng/lượng mua vào và 66,92 triệu đồng/lượng bán ra.

Chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng

Tuần qua, NHNN đã lấy ý kiến góp ý Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo NHNN, các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng đã chứng minh được sự phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu quản lý và định hướng cho hoạt động, phát triển các tổ chức tín dụng trong một thời kỳ khá dài.

Tuy nhiên, qua 12 năm thực hiện, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã có nhiều phát triển nên Luật Các tổ chức tín dụng đã bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam