Doanh nghiệp đối mặt thách thức do thiếu đơn hàng xuất khẩu

20:54 | 03/03/2023 Print
(TBTCO) - Theo Bộ Công thương, trong 2 tháng đầu năm 2023, do thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu, cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta tiếp tục chậm lại, đối mặt với thách thức. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng và doanh nghiệp có giải pháp vượt qua khó khăn.

Xuất khẩu hàng hóa giảm hơn 10% so với cùng kỳ

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 49,44 tỷ USD, giảm sâu đến 10,4%.

Có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 3 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%.

Thiếu vắng đơn hàng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đối mặt thách thức
Thiếu vắng đơn hàng xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam đối mặt thách thức. Ảnh: TL

Bình luận về giảm sút này, Bộ Công thương và các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm là do thiếu vắng các đơn hàng, cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại của nước ta tiếp tục chậm lại, đối mặt với thách thức.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD, nhưng giảm 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang EU đạt 6,9 tỷ USD, giảm 4,2%; ASEAN đạt 4,6 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5,7%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 5,9%...

Giá hàng hóa xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết mặt hàng đã góp phần giảm tăng trưởng xuất khẩu chung. Giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản như nhân điều, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm lần lượt là 3,7%, 1,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái (giá hạt tiêu giảm tới 31,4%, cao su giảm 20,6%). Giá các mặt hàng công nghiệp chế biến cũng giảm khá mạnh như phân bón giảm 25,5%, chất dẻo nguyên liệu giảm 24,8%, sắt thép giảm 32%. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng như gạo, xăng dầu, than đá, chè có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Yếu tố đáng chú ý nữa là trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng chủ lực đều giảm. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% (688 triệu USD) so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu thủy sản giảm 32,9% (494 triệu USD), chỉ đạt 1 tỷ USD. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước giảm 9,8%, đạt 42,97 tỷ USD và chiếm 86,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu của một số nhóm hàng chủ lực của nước ta trong 2 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh. Các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước. Việc Trung Quốc mở cửa sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam.

Tận dụng lợi thế từ các FTA để gia tăng xuất khẩu

Theo đánh giá của Bộ Công thương và các chuyên gia kinh tế, khó khăn về thị trường xuất khẩu còn kéo dài, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực, các thị trường lớn.

Dự báo là các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU sẽ tiếp tục giảm nhu cầu nhập khẩu do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Với các thị trường khu vực châu Âu, dù được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp chuẩn, yêu cầu chứng minh nguồn gốc gỗ… mà phía EU đặt ra là những vấn đề không dễ vượt qua.

Thiếu vắng đơn hàng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đối mặt thách thức
Doanh nghiệp cần đa dạng hoá sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: TL

Trước những khó khăn thách thức nêu trên, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, ngành Công thương tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyển thống. Phát triển các thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh. Những thị trường này tuy nhỏ, nhưng đang có tốc độ tăng trưởng cao và còn nhiều dư địa khai thác. Ngoài ra cần tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngành Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công thương cũng cho biết, sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM), ứng dụng công nghệ thông tin trong XTTM nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM; phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin thị trường, tư vấn chính sách, quy định và nhu cầu thị trường cho các nhà xuất khẩu - nhập khẩu của Việt Nam, tạo ra một kênh trao đổi thông tin nhanh, chất lượng và hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển để đảm bảo gia tăng xuất khẩu hàng hóa một cách bền vững.

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam