600 - 700 khiếu nại về quyền lợi người tiêu dùng mỗi năm

10:58 | 15/01/2021 Print
Bộ Công thương cho biết, số lượng khiếu nại gửi tới Bộ duy trì ở mức 600 - 700 hồ sơ khiếu nại trung bình năm và tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công là trên 95%.

nguoi tieu dung

Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được quan tâm đảm bảo và giải quyết vi phạm hiệu quả. Ảnh: T.U

Bộ Công thương cho hay, giai đoạn 2016 - 2020, về công tác quản lý cạnh tranh, Bộ này đã tăng cường triển khai kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trên thị trường. Cụ thể, thẩm định và trả lời trên 13 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004; tiếp nhận và xử lý trên 50 hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018; chủ động nghiên cứu, rà soát các giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường.

Bên cạnh đó, về quản lý hành vi hạn chế cạnh tranh, Bộ chủ động tiến hành điều tra tiền tố tụng khoảng gần 100 vụ việc trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề để thu thập, xác minh các thông tin, dấu hiệu về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, trên cơ sở đó khởi xướng điều tra 5 vụ việc và đã có báo cáo Hội đồng cạnh tranh để xử lý đối với 4 vụ việc, trong đó có những vụ việc có tính thời sự và nhận được nhiều sự quan tâm.

Về quản lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Bộ đã tiến hành điều tra theo thủ tục tố tụng cạnh tranh với 56 vụ việc, thu về tổng số tiền phạt 12,8 tỷ đồng và nộp về ngân sách nhà nước tổng cộng 13,4 tỷ đồng (bao gồm cả phí xử lý vụ việc cạnh tranh).

Đáng chú ý, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị điều tra và xử lý tập trung chủ yếu vào các dạng hành vi: quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, dèm pha doanh nghiệp khác, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, bán hàng đa cấp bất chính.

Ngoài ra, đối với quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hạn chế tối đa nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thực hiện các hoạt động thu lợi bất chính.

Thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến nay, chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Trong giai đoạn năm 2016 - 2020, đã điều tra và xử lý theo thủ tục tố tụng cạnh tranh đối với gần 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 11 tỷ đồng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp.

Đến nay, chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động trên thị trường./.

Tố Uyên

Tố Uyên

© Thời báo Tài chính Việt Nam