Doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu để tự cứu mình

14:07 | 08/03/2023 Print
(TBTCO) - Các chuyên gia cho rằng, trước khó khăn của thị trường, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã cơ cấu lại sản phẩm, tiết giảm chi phí, tung ra các chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao để thu hút những khách hàng sẵn tiền, giúp doanh nghiệp giải quyết được thanh khoản và nguồn vốn, tự cứu mình.

Nhiều dự án chiết khấu 10 - 40%

Qua khảo sát cho thấy, một số dự án BĐS trên địa bàn TP. Hà Nội đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao. Ví dụ như, dự án Bình Minh Garden (quận Long Biên) đang quảng cáo mức chiết khấu lên tới 21,5%.

Doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu để tự cứu mình
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tung ra các chương trình khuyến mãi, chiết khấu cao để thu hút những khách hàng sẵn tiền, giúp doanh nghiệp giải quyết được thanh khoản và nguồn vốn. Ảnh: Văn Nam.

Tuy nhiên, mức chiết khấu này chỉ áp dụng khi khách hàng trả thẳng 95% giá trị căn hộ. Trong trường hợp người mua nhà lựa chọn vay ngân hàng để thanh toán thì mức chiết khấu sẽ là 11,5% và được miễn lãi suất trong vòng 18 tháng. Như vậy, một căn hộ có diện tích 73 m2, có 2 phòng ngủ tại dự án Bình Minh Garden có giá 3,2 tỷ đồng, sau khi trừ chiết khấu cao nhất sẽ chỉ còn khoảng 2,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, các chương trình ưu đãi là giải pháp để doanh nghiệp tự cứu mình khi việc tiếp cận các kênh dẫn vốn đang trở nên vô cùng khó khăn. Các chính sách chiết khấu sâu cũng đang góp phần kéo BĐS trở về giá trị thực, thay vì mức giá quá cao trong những năm qua.

Tại dự án Hinode City (quận Hai Bà Trưng) cũng có mức chiết khấu lên tới 20% cho khách hàng thanh toán trước 95%.

Còn tại dự án chung cư căn hộ Hà Nội Melody Residences thuộc khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai) giảm giá sâu sau khi được chiết khấu cao lên tới 38%. Cụ thể, đối với căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 74 m2, giá niêm yết 3,3 tỷ đồng (tương đương 44,5 triệu đồng/m2) sau khi chiết khấu giảm còn 1,85 tỷ đồng (tương đương 25 triệu đồng/m2), với điều kiện khách hàng phải thanh toán trước 95% giá trị căn hộ.

Ông Nguyễn Tuấn Anh là một môi giới BĐS tại Hà Nội cho biết, chính sách chiết khấu cao của các doanh nghiệp BĐS đã kích cầu lượng lớn khách tìm mua căn hộ, không chỉ người mua ở thực mà có cả các nhà đầu tư cá nhân. Nhờ hình thức giảm giá gián tiếp này, các doanh nghiệp BĐS đã nhanh chóng xả được số lượng không nhỏ hàng tồn kho với giá tốt, đặc biệt có nguồn vốn để phát triển dự án.

Theo các chuyên gia, từ quý IV/2022, rất nhiều doanh nghiệp BĐS đã hạ giá bán từ 10 - 20%. Thậm chí, có nhiều dự án chung cư, nhà ở đã đưa ra chương trình chiết khấu cao. Tuy nhiên, khách hàng phải đóng tiền thẳng 95% mới có cơ hội sở hữu.

Trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường BĐS giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp BĐS hụt hơi vì thiếu vốn. Việc giảm giá bán hay tăng chiết khấu được xem là giải pháp cứu cánh nhằm kích cầu người mua, tăng thanh khoản và tự cứu mình trước khi các chính sách giải cứu được thực thi.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để gỡ nút thắt cho thị trường BĐS, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng cần nhiều giải pháp đồng bộ, như doanh nghiệp BĐS nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30 - 40%. Các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí; sớm bắt tay chuẩn bị phát hành trái phiếu mới theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang. Đồng thời, họ cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều và đầu tư dàn trải….

Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương cần giải quyết dứt điểm những vụ việc vừa qua để bảo đảm lấy niềm tin của thị trường và nhà đầu tư; sớm sửa đổi các nghị định, thông tư trong thẩm quyền của Chính phủ, đặc biệt là liên quan đến chuyển nhượng dự án, xác định tiền thuê đất, định giá đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp bất động sản cần tái cơ cấu để tự cứu mình
Doanh nghiệp bất động sản chỉ nên tập trung đầu tư những dự án sắp hoàn thành và bán sản phẩm với giá hợp lý. Ảnh: Văn Nam.

Đồng thời, đầu tư công cần được đẩy nhanh, mạnh hơn vì nếu đầu tư công chậm, dẫn tới tồn đọng vốn. Thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng nợ đọng lẫn nhau khá nhiều cũng là vì lý do này…

“Tổ công tác của Chính phủ sớm báo cáo trình Chính phủ về những vướng mắc chính yếu nhất đối với thị trường, dự án bất động sản với giải pháp đồng bộ, khả thi và có ưu tiên cụ thể, trong đó sớm trình một nghị định sửa nhiều nghị định” - ông Lực khuyến nghị.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trước tiên doanh nghiệp BĐS phải tự tái cơ cấu, giảm bớt đầu tư các dự án để không phải lo thiếu vốn và có dòng vốn luân chuyển. Doanh nghiệp chỉ nên tập trung đầu tư những dự án sắp hoàn thành và bán sản phẩm với giá hợp lý, hoặc nếu thấy không hiệu quả thì có thể bán dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp BĐS sớm phát hành trái phiếu để có vốn trả nợ trái phiếu trước đây cũng như đẩy mạnh quá trình đầu tư kinh doanh.

Giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn

Đánh giá về Nghị định 08/2023/NĐ-CP tác động đến doanh nghiệp và thị trường BĐS, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Nghị định 08 sẽ làm giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với cao điểm là năm 2023. Nhưng đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, kỳ vọng tháo gỡ đa số những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và 2024.

Tuy nhiên, theo ông Lực, rất cần tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện cam kết của doanh nghiệp, sự đồng hành, chia sẻ của nhà đầu tư và sự hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc của các cơ quan quản lý. Đồng thời, các bên liên quan cũng cần chuẩn bị hành trang cho năm sau khi các điều kiện tiêu chuẩn cao hơn như: nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phân phối trái phiếu… bắt đầu áp dụng trở lại.

Văn Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam