Hà Nội: 3 lộ trình giành lại vỉa hè

21:43 | 09/03/2023 Print
(TBTCO) - Đối với chiến dịch giành lại vỉa hè, Công an TP. Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội chia làm 3 lộ trình thực hiện cụ thể, gồm: tuyên truyền - cương quyết xử lý - duy trì sau xử lý.
Hà Nội: Giành vỉa hè chia làm 3 lộ trình
Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Dương Đức Hải trả lời tại cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023 của UBND TP. Hà Nội chiều 9/3, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh một số bất cập trong việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố.

Thông tin về vấn đề này, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Dương Đức Hải thừa nhận trên thực tế, mặt dù UBND TP. Hà Nội cùng các sở, ngành có liên quan rất tích cực trong công tác tham mưu, phối hợp nhằm thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 nhưng vẫn còn tình trạng bên cạnh những quận, huyện làm tốt thì một số nơi chưa thực hiện tích cực, thậm chí là còn bỏ trống và tình trạng này cần được chấn chỉnh ngay.

Đối với chiến dịch giành lại vỉa hè, Công an TP. Hà Nội đã tham mưu cho TP. Hà Nội chia làm 3 lộ trình thực hiện cụ thể, gồm: tuyên truyền - cương quyết xử lý - duy trì sau xử lý. Trong đó, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân rằng vỉa hè là nơi đi bộ chứ không phải kinh doanh, buôn bán. Ngoài ra, các lực lượng chức năng sau xử lý cũng yêu cầu các quận, huyện, xã phường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm không để tái phát tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Ông Dương Đức Hải cũng nhấn mạnh, việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những người mưu sinh dựa trên hè phố, vì theo điều tra của Công an TP. Hà Nội thì hầu hết đối tượng bị ảnh hưởng là các cửa hàng kinh doanh có vỉa hè. Còn đối với những người bán trà đá, nếu điều kiện tại nơi đó cho phép thì sẽ được xếp dịch vào trong ngõ nhỏ để tiếp tục hoạt động.

Hiện UBND TP. Hà Nội cũng đã lập đoàn kiểm tra, xuống từng quận, huyện để quay phim, chụp ảnh về việc thực hiện chiến dịch trên. Đây cũng là cơ sở quan trọng để quy trách nhiệm cụ thể tới từng cá nhân khi tổng kết chiến dịch.

Thông tin thêm về vấn đề trên, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, hôm nay ngày 9/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành văn bản liên quan đến tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.

Trong đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu: Chủ tịch các quận, huyện, thị xã, giám đốc các sở, ngành phải xây dựng các kế hoạch phân công cụ thể tổ chức thực hiện rà soát điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra xử lý vi phạm, hoàn thành trước ngày 20/3. Đồng thời, các quận, huyện, sở, ngành tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, thường xuyên duy trì lập lại trật tự hè phố, lòng đường, thực hiện từ ngày 21/3; báo cáo kết quả về UBND TP. Hà Nội trước ngày mùng 2 hàng tháng qua Công an TP. Hà Nội để tổng hợp...

Văn phòng UBND TP. Hà Nội được giao công khai thông tin chủ tịch UBND quận huyện, thị xã và chủ tịch UBND các xã phường thị trấn để xảy ra tình trạng vi phạm về trật tự hè phố trên địa bàn tại buổi họp báo của UBND TP. Hà Nội hàng tháng. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý trật tự đô thị năm 2023 với quyết tâm giành lại hè phố cho người đi bộ.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, vấn đề dẹp vỉa hè đã quá cũ và bàn đi bàn lại bao nhiêu lần, "quyết" đập cả bục rồi thu dọn vỉa hè nhưng đâu lại nguyên đó. Để có thể xử lý vi phạm vỉa hè, thành phố không chỉ cần có kế hoạch xử lý nghiêm vi phạm, mà cần có quy định về trách nhiệm cá nhân khi để vi phạm này tái diễn.

Nguyên Phương

© Thời báo Tài chính Việt Nam