Lấy ý kiến hoàn thiện pháp lý về tài chính đất đai

09:34 | 10/03/2023 Print
(TBTCO) - Ngày 9/3 tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính Marketing đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học ‘‘Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)’’ nhằm lấy ý kiến tập trung vào các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai và các vấn đề khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Buổi tọa đàm do GS.TS Trần Thọ Đạt – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chủ trì đã thu hút sự tham gia từ nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và giảng viên các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn
GS.TS Trần Thọ Đạt - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh Đỗ Doãn

Trên cơ sở nội dung liên quan đến dự thảo được thảo luận gồm: các khoản thu tài chính từ đất đai (Điều 147, 148, 149, 150…); giá đất (Điều 154, 156, 113, 152…); quản lý đất công (Điều 4, 208, 134, 192, 220, 118…), buổi tọa đàm đã nhận được 13 ý kiến đóng góp cho các quy định về vấn đề tài chính đất đai và các vấn đề khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Đó là các nội dung như: cần quy định rõ trách nhiệm của thẩm định viên trong việc thẩm định giá đất, giá đền bù bồi thường giải tỏa nên xác định theo giá thị trường, bổ sung nội dung về xác định tỷ lệ phần trăm của riêng từng loại đất đối với đất thuộc nhóm sử dụng đa mục đích...

Một số ý kiến đóng góp có nội dung liên quan như cần quy định rõ trách nhiệm của thẩm định viên trong việc thẩm định giá đất, giá đền bù bồi thường giải tỏa nên xác định theo giá thị trường, bổ sung nội dung về xác định tỷ lệ phần trăm của riêng từng loại đất đối với đất thuộc nhóm sử dụng đa mục đích...

Quang cảnh buổi tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh Đỗ Doãn
Quang cảnh buổi tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Trường Đại học Tài chính - Marketing. Ảnh Đỗ Doãn

Theo PGS.TS. Nguyễn Minh Ngọc - Phó Trưởng Khoa, phụ trách Khoa Thẩm định giá – Kinh doanh bất động sản, Trường Đại học Tài chính Marketing, cần đưa khái niệm “đất hoang hóa” (vào Điều 152), do đây là nội dung còn thiếu. Việc bổ sung khái niệm và làm rõ vấn đề này sẽ kích thích các nguồn lực xã hội đầu tư vào bởi việc quản lý đất đai của nhà nước hiện nay là chưa đủ lực lượng, nên nếu có cơ chế cho việc sử dụng đất có nguồn gốc hoang hóa sẽ kích thích rất nhiều doanh nghiệp tham gia. Thực tế là nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy tiềm năng của nhiều khu đất hoang và sẵn sàng đầu tư.

Ông Ngọc cũng nêu một số ý kiến đóng góp liên quan đến Điều 147 (ghi chưa đủ các loại thuế), Điều 148 khoản 2 (không nên dùng từ “hỗ trợ”, mà thay là “bồi thường”), Điều 150 (nên tính giá đất dựa trên nền tảng giá trị), Điều 154 (khoản (i) tính giá trị quyền SDĐ, nên đồng bộ trong mọi khâu (định giá, bồi thường) dựa trên nền tảng giá trị, không dựa trên giá trị thị trường), Điều 156 (xác lập lại tiêu chí chuyên gia, Hội đồng thẩm định, chi tiết hơn về các tổ…)…

GS.TS Trần Thọ Đạt đã đánh giá rất cao tất cả các ý kiến đóng góp bởi đã phản ánh thực chất và hiệu quả, được nêu ra với tinh thần trách nhiệm, khoa học, khách quan, sâu sắc. Hầu hết các nội dung cần xin ý kiến để thảo luận chuyên sâu, bày tỏ quan điểm thống nhất và những ý kiến khác đều đã được thảo luận sôi nổi. Tất cả ý kiến đóng góp sẽ được ban tổ chức sẽ tập hợp đầy đủ và trung thực, gửi lên Bộ Tài chính cũng như cơ quan soạn thảo, để ban soạn thảo có thể tiếp thu, chọn lọc nhằm đem lại hiệu quả cao nhất một khi các nội dung của dự thảo luật được ban hành.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam