Không để tình trạng có tiền không tiêu được

11:18 | 10/03/2023 Print
(TBTCO) - Đưa công tác giải ngân vốn đầu tư công làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra giải pháp để thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hết tháng 2/2023, tiến độ giải ngân của cả nước vẫn rất chậm, vì thế tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Các bộ, ngành, địa phương đang rốt ráo vào cuộc, với quyết tâm không để tình trạng có tiền mà không tiêu được.

Tiến độ giải ngân vẫn khá chậm

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hết tháng 2/2023, 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10% kế hoạch vốn được giao. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%); Tiền Giang (trên 21%); Lâm Đồng (20,31%)... Đáng chú ý, hiện có 50 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn như: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ…

Như vậy, có thể thấy, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác giải ngân ngay từ đầu năm, nhưng đã qua 2/3 chặng đường của quý I, tiến độ giải ngân vẫn rất chậm khi mới đạt 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (đạt tỷ lệ lần lượt là 8,04% và 8,61%).

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Nguyên nhân được các bộ, ngành, địa phương đưa ra là do vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023. Hơn nữa, một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương. Đáng chú ý, trong tháng 2/2023, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn, nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chương trình công tác năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ ngay từ đầu năm.

Đơn cử như tỉnh Bình Thuận, kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao gần 4.869 tỷ đồng. UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới năm 2023 để phân khai chi tiết hết các nguồn vốn còn lại trong quý I/2023. Đối với các công trình đã được bố trí vốn, tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện đấu thầu xây lắp, thời gian thực hiện chậm nhất trong quý II/2023 để sớm triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Không tạo áp lực giải ngân vào cuối năm

Vừa đẩy nhanh tiến độ giải ngân, vừa giảm áp lực giải ngân cho những tháng tiếp theo, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp khẩn trương hướng dẫn và tổng hợp chung nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương về việc kéo dài thời gian bố trí vốn của các dự án sử dụng ngân sách trung ương sang năm 2023 và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 sang năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Xác định đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực để đầu tư phát triển tại địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra quyết tâm trong năm 2023 phải hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư công. Để hoàn thành mục tiêu, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Đến hết ngày 28/2/2023 toàn tỉnh giải ngân được 989 tỷ đồng (bằng 9,6% kế hoạch vốn đã giao chi tiết (trên 10.335 tỷ đồng), cao hơn 2,9% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước).

Hiện tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 của Bộ Công an là 0%. Đốc thúc tiến độ, Bộ Công an đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần tập trung giám sát, quản lý thực hiện bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ các dự án đã có kế hoạch bố trí vốn và đã được phê duyệt tiến độ. Khuyến khích nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện, nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chất lượng thi công công trình... Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án; tiêu cực, lãng phí trong quá trình triển khai dự án.

Tuy nhiên, để công tác giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ, đưa đến tỷ lệ cao khi kết thúc năm không chỉ nằm ở sự nỗ lực đưa ra các giải pháp và thực hiện các giải pháp từ phía các bộ, ngành, địa phương, mà còn cần phải tìm ra căn nguyên của việc giải ngân chậm để chữa trị tận gốc. Chính vì thế, trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ ra 2 vấn đề vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư hiện nay là công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc này. Đồng thời, phải tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; kịp thời điều chỉnh các đơn giá cho phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững…

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam