Thị trường tiền tệ tuần 6/3 – 10/3:

Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định

17:26 | 10/03/2023 Print
(TBTCO) - Diễn biến đáng chú ý trong tuần qua là động thái đồng loạt giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại, đồng thời lãi suất liên ngân hàng cũng dịu bớt vào cuối tuần. Trong khi đó, tỷ giá vẫn giữ nhịp ổn định và đây cũng là yếu tố thuận lợi cho định hướng của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục tập trung cho nỗ lực giảm lãi suất.

Lãi suất giảm

Tuần qua xuất hiện thông tin tích cực cho thị trường tiền tệ, thể hiện ở quyết định giảm lãi suất đồng loạt của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Động thái giảm lãi suất huy động có thể tạo tiền đề cho việc lãi suất đầu ra

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022); đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Trong khi đó, lãi suất bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đã hạ nhiệt hơn so với thời điểm đầu tháng 3. Thông tin mới nhất từ NHNN cho thấy, lãi suất qua đêm đã xuống thấp dưới mức 6%, đã giảm thấp hơn so với mức 6,38% tại thời điểm đầu tháng 3. Một số kỳ hạn khác cũng đã hạ nhiệt phần nào, với kỳ hạn 1 tuần là 6,17% (đầu tháng 3 là 6,48%). Tuy nhiên so với giữa tháng 2 thì lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng vẫn còn khá cao.

Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định
Lãi suất huy động giảm đặt ra kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm. Ảnh: T.L
Lãi suất vẫn thu hút mối quan tâm, tỷ giá giảm nhẹ Trái ngược với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi đồng loạt giảm

Hiện tại, diễn biến lãi suất đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố trong nước đang có tín hiệu thuận lợi, thể hiện ở chủ trương của NHNN định hướng đưa lãi suất xuống thấp, đồng thời tín dụng 2 tháng đầu năm tăng thấp cũng là yếu tố hậu thuẫn tốt cho việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, diễn biến thị trường quốc tế lại có chiều hướng bất lợi do các yếu tố kinh tế vĩ mô, lạm phát tại Mỹ và một số nước tăng. Điều này đặt ra tình huống về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể có động thái tăng lãi suất với cường độ mạnh hơn và nếu điều này xảy ra thì sẽ tạo áp lực bất lợi cho mục tiêu giảm lãi suất trong nước.

Tỷ giá vẫn trong xu thế ổn định

Tỷ giá tuần qua vẫn diễn ra trong xu thế ổn định. Hôm đầu tuần, NHNN công bố tỷ giá USD trung tâm giảm nhẹ 1 đồng so với hôm trước, ghi nhận ở mức 23.636 đồng/USD. Trong các ngày tiếp theo, tỷ giá đã có 2 phiên giảm 1 phiên tăng và sau đó quay đầu giảm nhẹ trong phiên cuối cùng trong tuần, chốt tuần ở mức 23.639 đồng/USD. Với diễn biến này, tỷ giá USD trung tâm chỉ tăng nhẹ 3 đồng trong suốt các phiên trong tuần.

Tại Vietcombank, tỷ giá VND/USD sáng ngày 10/3 cũng được ngân hàng này điều chỉnh giảm 15 đồng mỗi USD so với hôm trước, với tỷ giá niêm yết là 23.490/23.520/23.860 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra). Tính trong suốt cả tuần, tỷ giá USD tại Vietcombank giảm 20 đồng ở tất cả các mức giá. Trong tuần trước đó, tỷ giá USD tại Vietcombank cũng đã có một tuần diễn biến theo chiều hướng đi xuống.

Hiện tại, các diễn biến vĩ mô trong nước vẫn hậu thuẫn cho tỷ giá, đặc biệt là tình hình cán cân thương mại thặng dư lớn trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm. Động thái này kết hợp với diễn biến thặng dư thương mại của cả năm 2022 khiến giới kinh doanh dự báo nguồn cung ngoại tệ vẫn khá dồi dào. Tuy nhiên ở góc độ thị trường quốc tế, tác động của khả năng FED tăng lãi suất không chỉ có thể ảnh hưởng đến lãi suất mà cũng có thể ảnh hưởng cả với tỷ giá. Bởi lẽ, trường hợp FED tăng lãi suất mạnh tay sẽ khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, không ngoại trừ cả đồng VND của Việt Nam.

Lãi suất giảm, tỷ giá ổn định
Diễn biến tài chính quốc tế đang có xu hướng bất lợi cho vàng. Ảnh: T.L

Giá vàng giảm đầu tuần, phục hồi cuối tuần

Giá vàng rơi vào trạng thái giảm liên tục trong những phiên đầu tuần. Mở đầu tuần, giá vàng miếng 9999 SJC giảm khoảng 50 nghìn đồng so với phiên cuối tuần trước, ghi nhận mức 66,15 triệu đồng/lượng mua vào và 66,87 triệu đồng/lượng bán ra.

Sau đó, giá vàng tiếp tục có 2 phiên giảm điểm vào các ngày thứ ba và thứ tư, nhưng sau đó phục hồi trở lại vào 2 ngày cuối tuần. Vào ngày 10/3, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 66 triệu đồng/lượng mua vào và 66,72 triệu đồng/lượng bán ra. Theo đó, xu hướng chung trong cả tuần đối với giá vàng vẫn là xu hướng đi xuống và điều này cũng phù hợp với bối cảnh tình hình tài chính quốc tế đang có những diễn biến bất lợi đối với giá vàng.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động trong tuần qua

Từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi: Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam