Hàn Quốc sẽ đầu tư toàn diện vào Việt Nam

10:51 | 13/03/2023 Print
(TBTCO) - Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là tương đối ổn định, với những ưu đãi tốt. Trong thời gian tới, Hàn Quốc sẽ đầu tư toàn diện vào Việt Nam. Không phải chỉ một số lĩnh vực FDI hay nhà máy sản xuất, mà sẽ có nhiều nhà đầu tư của Hàn Quốc đổ vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư vào khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng làm đường, sân bay.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc trong năm 2022 vừa qua?

Ông Hong Sun
Ông Hong Sun

Ông Hong Sun: Từ đầu năm cho đến quý III/2022, tình hình kinh doanh của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam vẫn khá ổn. Nhưng từ quý IV/2022 thì đã bắt đầu xảy ra tình trạng gia tăng hàng tồn kho do nhiều hãng lớn dừng đơn hàng. Các DN Hàn Quốc tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khá lớn bởi sự cắt giảm đơn hàng từ các hãng trên thế giới. Ngoài ra, những sản phẩm công nghệ cao cũng gặp khó khăn do tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và thu nhập của nhiều nước, nhiều nơi bị giảm mạnh, hay những thách thức về tỷ giá và lãi suất ngân hàng.

Tuy vậy, nhìn chung trong cả năm 2022, so với những nước khác, tình hình kinh doanh của các DN Hàn Quốc tại Việt Nam tốt hơn rất nhiều. Mặc dù có những khó khăn trên thế giới, nhưng tình hình kinh doanh của các DN Hàn tại Việt Nam vẫn ổn định. Chúng tôi vẫn yên tâm về hoạt động sản xuất và sinh hoạt, yên tâm về đầu tư vào Việt Nam.

PV: Ông có bình luận gì tình hình đầu tư của các DN Hàn Quốc vào Việt Nam? FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nào, thưa ông?

Ông Hong Sun: Do áp lực về lãi suất ngân hàng và tỷ giá trong năm 2022, nên có rất nhiều khó khăn đối với các nhà đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam. Vì vậy, năm ngoái có khá nhiều hạn chế đối với các nhà đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc. Mặc dù vậy, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2022 và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Minh chứng là ngày 9/3 vừa qua, tôi đã dự lễ khánh thành nhà máy UJU của Hàn Quốc - nhà máy chuyên sản xuất các linh kiện quan trọng của ô tô tại Thái Nguyên.

Nguồn: Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Đồ Họa: Văn Chung
Nguồn: Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Đồ Họa: Văn Chung

Trong năm 2022, FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam có tới 86% tập trung vào lĩnh vực sản xuất, 4% vào lĩnh vực khoa học công nghệ. Thời gian tới, ưu tiên đầu tư của các DN Hàn Quốc vẫn là lĩnh vực sản xuất - một trong những lĩnh vực phát triển nhất tại Việt Nam. Song song với đó, các DN cũng đang hướng tới đầu tư về năng lượng, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và tài chính.

PV: Hiện tại, tính đa dạng của nguồn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam khá hạn chế và chỉ tập trung vào một số địa điểm nhất định. Trong khi đó, tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn. Theo ông, làm thế nào để cải thiện được vấn đề này? Việt Nam có thể làm gì để thu hút nguồn FDI chất lượng cao và nhiều hơn nữa của Hàn Quốc, thưa ông?

Ông Hong Sun: Các DN Hàn Quốc đang hiện diện ở gần như 60 tỉnh thành của Việt Nam, nhưng tập trung chủ yếu tại một số tỉnh lân cận Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này có liên quan tới những tiện ích thuận lợi về cả giao thông và sinh hoạt. Có rất nhiều sự hấp dẫn khác nhau tại các địa phương của Việt Nam. Một số vùng sâu vùng xa có thể khai thác về lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là một thế mạnh mà các DN Hàn Quốc có.

Mỗi tỉnh có một đặc điểm và thế mạnh riêng, tuy nhiên, để đầu tư một nhà máy lớn tại địa phương thì cần phải có hạ tầng tốt, nhất là điện. Vì vậy, mỗi địa phương cần quảng bá những lợi thế của mình, đồng thời xem xét kỹ xem có thể thu hút những lĩnh vực nào, để từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển thế mạnh của mình.

Nhiều hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư

“Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc hoạt động tốt hơn tại Việt Nam, KoCham có 3 tiểu ban là: thuế - hải quan, lao động, phòng cháy - chữa cháy thường xuyên hoạt động, lắng nghe các vướng mắc của DN Hàn Quốc để báo cáo với các cơ quan có liên quan trực tiếp, tổ chức đối thoại giữa 2 bên nhằm giải quyết với những khó khăn này. Đây là nỗ lực của Kocham để hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc có thể yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Đó cũng chính là cách hay nhất, nhanh nhất để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiếp theo của Hàn Quốc vào Việt Nam. Chúng tôi đang rất nỗ lực để đưa ra những hướng dẫn cụ thể về các chính sách, thông tin mới nhất về thị trường Việt Nam cho các DN Hàn Quốc. Đồng thời, sẽ tiếp tục quảng bá và kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến Việt Nam và thị trường Việt Nam” - ông Hong Sun cho biết.

Gần đây, tôi đã đi công tác tại Lào, Campuchia, Indonesia và thấy rằng, không chỉ Việt Nam mà hầu như tất cả các nước Đông Nam Á đều đang rất quan tâm tới thu hút đầu tư FDI của nước ngoài nói chung và của Hàn Quốc nói riêng. Chính vì vậy, để Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam thì Việt Nam cần nghiên cứu so sánh với các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài ở các nước lân cận để tăng khả năng cạnh tranh thu hút FDI. Đồng thời, cũng cần sớm giải quyết một số vướng mắc và một số khó khăn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc thấy chưa hợp lý, chưa rõ về căn cứ thực thi.

Ví dụ như vấn đề giấy phép lao động, cấp visa và cấp thẻ tạm trú, quy định phòng cháy chữa cháy... Chúng tôi hy vọng Chính phủ và các bộ, ngành sớm hướng dẫn để chúng tôi có thể giải quyết được những vướng mắc này. Đó chính là mong muốn của các thành viên KoCham để tiếp tục phát triển và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tôi cho rằng, khi những vấn đề trên được cải thiện thì FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.

Năm ngoái, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Hàn Quốc và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ đầu tư toàn diện vào Việt Nam, không phải chỉ một số lĩnh vực FDI hay nhà máy sản xuất, mà sẽ có nhiều nhà đầu tư của Hàn Quốc đổ vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư vào khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng làm đường, sân bay. Chúng tôi cũng kỳ vọng vào kinh doanh tại Việt Nam trong năm nay với những chỉ báo tốt đã được các định chế tài chính quốc tế dự báo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần chính sách hỗ trợ đồng bộ trong thu hút FDI chất lượng cao

Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế là đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về số vốn đăng ký và số dự án đầu tư. Tính đến hết năm 2022, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có gần 9.500 dự án và hơn 80 tỷ USD đầu tư tại Việt Nam.

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun nhận định, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam khá ổn định, pháp luật ngày càng chặt chẽ hơn và có nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi nhà đầu tư có nguồn vốn lớn như sản xuất chip, các loại pin ô tô tối thiểu đầu tư phải hàng tỷ tới hàng chục tỷ USD trở lên, nên phải có chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý trung ương tới địa phương. Các nhà đầu tư sẽ nhìn vào thị trường và nhìn vào chính sách hỗ trợ, vấn đề pháp lý, chế độ ưu đãi. Nếu những điều này không hấp dẫn thì cũng khó thu hút, hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng.

Ông Hong Sun cho biết thêm, các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc khi đầu tư vào một nơi nào đó rất quan tâm tới ưu đãi về thuế. Sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là tương đối ổn định với những ưu đãi tốt. Tuy nhiên hiện nay cũng đang có rất nhiều khó khăn, thách thức như việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này cũng có thể là một trong những yếu tố sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thu hút vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Vì vậy, cần phải cân nhắc và hết sức khéo léo khi áp dụng và điều chỉnh những chính sách mới.

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam