Cơ hội đã mở cho thị trường bất động sản

10:46 | 13/03/2023 Print
(TBTCO) - Mặc dù thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự khởi sắc, nhưng các chuyên gia đánh giá thời gian qua đã có nhiều tín hiệu tích cực. Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường, các doanh nghiệp cũng cần có phương án tái cấu trúc cho phù hợp với nền kinh tế và nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời, cấu trúc lại dòng sản phẩm để dễ hấp thụ với thị trường.

Những điểm nghẽn dần được tháo gỡ

Hàng loạt tín hiệu tích cực đang mở ra với thị trường bất động sản (BĐS), mới đây nhất, ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Tín hiệu về giảm lãi suất cũng được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản hồi phục và phát triển ổn định trở lại.
Tín hiệu về giảm lãi suất cũng được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản hồi phục và phát triển ổn định trở lại.

Đáng chú ý, nghị định tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa thêm 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư. Nghị định 08 có hiệu lực ở thời điểm này được chuyên gia đánh giá sẽ tác động tích cực nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thị trường BĐS, tài chính, giúp các chủ đầu tư thêm phương án giãn nợ, giảm áp lực đáo hạn cho trái phiếu.

Bên cạnh đó, những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm phổ biến 0,1 - 0,6 điểm %. Lãi suất huy động giảm đã tạo điều kiện để các ngân hàng giảm dần lãi suất cho vay. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 6/3, lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Tín hiệu về giảm lãi suất cũng được kỳ vọng giúp thị trường BĐS tăng thanh khoản, tạo xung lực cho thị trường hồi phục và phát triển ổn định trở lại.

Ngoài ra, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội được NHNN công bố với sự tham gia của 4 ngân hàng thương mại vốn nhà nước cùng lãi suất thấp 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường, được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở đang rất lớn, đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường BĐS.

Song song với đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Giới chuyên gia, nhà khoa học đã có đóng góp kiến nghị từ vấn đề thực tế đối với các quy định đang tạo ra sự mâu thuẫn, không còn phù hợp với diễn biến thực tại thị trường. Việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Đất đai được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường địa ốc.

Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường BĐS ngay trong quý I/2023 cũng đang có dấu hiệu tích cực, khi triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ, bằng những văn bản quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đã thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng và hấp thụ dễ hơn. Sang quý II/2023, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung sửa đổi, xử lý vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư, với dự án nhóm nhà ở gồm: dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ.

Với nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm vượt khó, cùng tinh thần hội nhập, phát triển của các đơn vị, tổ chức, nhà môi giới, thị trường BĐS chắc chắn sẽ dần ấm lên. Từ đó, khích lệ tinh thần, tạo ra sức lan tỏa cho các phân khúc, đưa thị trường vực dậy, phát triển vững mạnh theo đúng định hướng, mục tiêu 2023.

Nỗ lực tạo dựng niền tin cho nhà đầu tư

Theo ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc Chính phủ ban hành Nghị định 08 được kỳ vọng tháo gỡ đa số những vướng mắc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay và năm tới.

Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, trong năm 2023, “cơn bão” đối với thị trường BĐS sẽ dữ dội hơn nếu như những vấn đề tồn tại lớn chưa được tháo gỡ kịp thời, nhất là vấn đề pháp lý và ổn định, hài hòa nguồn vốn từ thị trường vốn và tín dụng. Do đó, việc hoàn thiện thể chế có ảnh hưởng sống còn đến thị trường này, nhất là khi năm 2023 sẽ thông qua một loạt các dự luật, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể, đưa ra chính sách nhằm giải quyết vấn đề trái phiếu đến thời điểm đáo hạn trong khoảng thời gian 2023 - 2024. Đơn cử như giúp doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ để đẩy lùi thời gian đáo hạn, hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác… Thực ra các vấn đề này nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang làm, nhưng với Nghị quyết 08, hành lang pháp lý đã được thiết lập để bảo vệ quyền lợi cho cả đôi bên.

Ngoài ra, còn có một điều giúp thị trường trái phiếu có thể “ấm” lên là quy định xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp. Trước đây, Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã quy định rất chặt chẽ về điều này, nhưng với Nghị định 08 như hiện giờ, nhà đầu tư không cần phải bắt buộc đáp ứng đủ các quy định, tạo điều kiện giúp gia tăng lượng lớn người mua có thể tham gia thị trường.

“Tuy nhiên, “ấm” thế nào còn phải tùy thuộc vào diễn biến thị trường và niềm tin từ nhà đầu tư. Chính các doanh nghiệp phải tự nỗ lực để có được niềm tin đó, với các hành động cụ thể như trả lãi vay đúng hạn cho trái chủ bằng nhiều cách khác nhau và chủ động đàm phán với họ. Nghị định 08 chỉ cho lùi 2 năm, nhưng nếu trái chủ tin tưởng doanh nghiệp, họ sẵn sàng cho doanh nghiệp lùi 5 - 7 năm, thậm chí 10 năm” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2023, nếu giải quyết được những khó khăn thì thị trường BĐS phục hồi rất nhanh, vì thực tế lực cầu vẫn rất lớn, cho nên dự báo khoảng quý IV/2023 khả năng phục hồi tương đối cao.

Doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hóa nguồn vốn

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, các doanh nghiệp bất động sản cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (nhất là 2023 - 2024). Đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải; hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất là hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết.

Tấn Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam