Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Bảo vệ tốt nhất lợi ích người dân, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp

06:15 | 13/03/2023 Print
(TBTCO) - Nhiều vấn đề lớn của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như các nội dung về tài chính đất đai, giá đất, cho thuê đất, bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển; vấn đề giao đất, cho thuê đất... đã được các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến tại Phiên họp thứ V của Hội đồng khoa học Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức sáng 10/3.

Đề nghị bổ sung quy định tăng tiền thuê đất hàng năm

Quan tâm đến phát huy nguồn lực tài chính đất đai, PGS.TS Ngô Thanh Hoàng - Trưởng Ban Quản lý khoa học, Học viện Tài chính cho rằng, cần bổ sung cách phân loại đất đai theo tiêu chí. Cụ thể là đất đai không xác định giá theo giá trị thị trường, như đất phục vụ an ninh, quốc phòng, công cộng, dịch vụ công, an ninh xã hội… và đất đai xác định giá theo giá trị thị trường, như đất ở, đất phục vụ sản xuất kinh doanh.

Theo PGS.TS Ngô Thanh Hoàng, Luật Đất đai chỉ nên quy định các khoản thu tài chính từ đất đai là nguồn thu của ngân sách nhà nước là đủ, còn phân cấp nguồn thu như thế nào nên để Luật Ngân sách nhà nước quy định. Bên cạnh đó, cần xem xét, cân nhắc lại đối với đất xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp kết hợp với đất đô thị; cần có các quy định về công khai hóa, minh bạch hóa các giao dịch liên quan đến đất đai…

Để tránh tình trạng áp dụng chính sách ưu đãi tràn lan không phù hợp và cân đối với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, cần nghiên cứu, bổ sung quy định làm rõ hơn thông qua các chỉ tiêu phân bổ nguồn thu từ đất đai…

Ngoài ra, dự thảo nên quy định bắt buộc tất cả các địa phương phải xây dựng bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn bất kể có hay không có bản đồ địa chính số hay cơ sở dữ liệu giá đất. Việc bắt buộc này sẽ khuyến khích các địa phương thực hiện số hóa bản đồ địa chính, tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch đất đai, đảm bảo tính chính xác, công khai, minh bạch.

Luật Đất đai chỉ nên quy định các khoản thu tài chính từ đất đai là nguồn thu của ngân sách nhà nước là đủ.
Luật Đất đai chỉ nên quy định các khoản thu tài chính từ đất đai là nguồn thu của ngân sách nhà nước là đủ.

Nhấn mạnh Luật Đất đai có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, TS. Đậu Anh Tuấn - Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cần cân nhắc kỹ các vấn đề như: Việc chuyển từ thuê đất trả tiền một lần sang thuê đất trả tiền hàng năm; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai; thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính nước ngoài; giải quyết các mâu thuẫn giữa quy định tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi với các quy định khác có liên quan và các quy trình thủ tục tại Luật Đất đai cần xét trong mối quan hệ với các luật có liên quan để đảm bảo thuận lợi khi thực thi.

Bên cạnh đó, TS. Đậu Anh Tuấn đề nghị bổ sung quy định về giới hạn tăng tiền thuê đất hàng năm. Ví dụ, các địa phương được phép quyết định tiền thuê đất hàng năm theo hướng dẫn, nhưng tốc độ tăng tối đa không quá 1, 2 lần tốc độ lạm phát. Như vậy, Nhà nước vẫn có thể tăng tiền thuê đất trong trường hợp cần thiết, nhưng không đẩy hết rủi ro cho doanh nghiệp.

Kiểm soát quyền lực trong đất đai

Cho ý kiến về việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Phó trưởng Khoa Pháp luật kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội nêu rõ, đây là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất; cần phải có sự chỉnh sửa để đảm bảo làm rõ nội hàm các quy định và được áp dụng thống nhất.

Xem xét cho tổ chức nước ngoài nhận thế chấp quyền sử dụng đất

Liên quan đến chế định thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tài chính nước ngoài, TS. Đậu Anh Tuấn cho biết, Luật Đất đai hiện nay và dự thảo mới đều có quy định chỉ được phép thế chấp quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà không được phép thế chấp cho tổ chức tài chính nước ngoài.

Quy định cấm thế chấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể được hiểu là nhằm mục đích cấm việc cá nhân, tổ chức nước ngoài có được quyền sử dụng đất nếu bên đi vay không thể trả nợ. Theo TS. Đậu Anh Tuấn, Việt Nam vẫn có thể cho tổ chức nước ngoài nhận thế chấp, nhưng khi bên đi vay không trả được nợ thì cấm việc chuyển nhượng tài sản cho phía nước ngoài mà chỉ cho phép họ bán lại cho một cá nhân, tổ chức khác tại Việt Nam.

Góp ý cụ thể về quy định tại Điều 128 dự thảo Luật về các dự án nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn, dự án đô thị được thỏa thuận với người có đất trong vùng dự án, PGS.TS Nguyễn Thị Nga kiến nghị, để tránh tình trạng chậm tiến độ hoặc không thể thực hiện được dự án trong trường hợp một số người có đất không đạt được sự thỏa thuận với chủ đầu tư thì nên đưa ra tỷ lệ thoả thuận thành công là bao nhiêu thì dự án được triển khai, tỷ lệ không đồng thuận là bao nhiêu thì cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền được áp dụng biện pháp hành chính, thậm chí là cưỡng chế để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, cần quy định chặt chẽ để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nhưng nếu quy định không mang nghĩa tường minh, cụ thể thì cũng tiềm ẩn nhiều hệ quả về sau. Vì vậy, dự thảo Luật cần thể chế hóa các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cần quy định cụ thể các tiêu chí "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ".

Quan tâm đến kiểm soát quyền lực trong đất đai, GS.TS Võ Khánh Vinh - nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đề nghị, vấn đề này cần được thể hiện đậm nét hơn trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo GS.TS Võ Khánh Vinh, thực chất kiểm soát quyền lực nhà nước chính là đề cao vai trò của người dân, vai trò giám sát của người dân trong lĩnh vực này để từ đó cụ thể hóa trong từng nội dung của luật.

Ngoài ra, băn khoăn về chuyển mục đích sử dụng đất, GS.TS Võ Khánh Vinh đề nghị cần quy định rất thận trọng về nội dung này, quy định chặt chẽ về lộ trình để bảo đảm phòng ngừa, răn đe và hạn chế chuyển đổi sai mục đích.

Thống nhất dữ liệu, thông tin về đất đai trong phạm vi cả nước

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách - pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đã góp ý về các quy định liên quan đến thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Nhà nước.

Theo ông Huệ, cần ban hành các văn bản đồng bộ, chi tiết cụ thể hóa quy định tại Khoản 10 Điều 14 của Dự thảo “Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi”. Đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả quy định này, như vậy sẽ làm tăng giá trị của đất đai vào ngân sách nhà nước, góp phần kiềm chế, đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Nghiên cứu chính sách - pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam cũng nêu rõ, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước; xác lập cơ chế tiếp cận thông tin đất đai một cách đơn giản, thuận tiện và dễ dàng nhằm phục vụ cho hoạt động giám sát của người dân. Minh bạch hóa thông tin đất đai, từ khâu quy hoạch đất đai đến hiện trạng sử dụng đất. Đối với việc giao đất, cho thuê đất áp dụng giải pháp đấu giá cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Bên cạnh đó, cần đơn giản thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giảm chi phí và minh bạch hóa, chống lạm quyền, tham nhũng trong quá trình quản lý đất đai.

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam