Cơ hội để ngân hàng tạo ra nguồn thu mới

09:22 | 15/03/2023 Print
(TBTCO) - Trong bối cảnh tăng trưởng thu nhập từ lãi chậm dần, đa dạng hóa nguồn thu ngoại bảng là chiến lược mà nhiều ngân hàng đều hướng tới. Với mô hình kinh doanh ngân hàng như một dịch vụ (Banking as a service - BaaS), các ngân hàng hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế năng lực và kinh nghiệm để tạo ra doanh thu mới ngoại bảng, nhờ đó giữ đà tăng trưởng lợi nhuận nhiều năm qua.

Lợi thế của ngân hàng khi sử dụng BaaS

Chúng ta nên hiểu về BaaS như thế nào? BaaS có rất nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Các mô hình tiêu biểu như sau: thứ nhất, BaaS giống như hệ thống ngân hàng mở, cung cấp các dịch vụ ngân hàng qua giao tiếp lập trình ứng dụng (API), BaaS cung cấp quyền cho bên thứ 3 truy cập vào dữ liệu khách hàng hoặc giao dịch với ngân hàng thông qua sự uỷ quyền của khách hàng.

Ví dụ thực tế là các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử đang sử dụng dịch vụ định danh KYC cho các khách hàng mới thông qua sự uỷ quyền xác thực thông tin định danh của tài khoản ngân hàng.

Cơ hội để ngân hàng tạo ra nguồn thu mới

Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam.

Một báo cáo của Công ty Juniper Research tháng 9/2022 cho thấy, doanh thu của nền tảng BaaS sẽ tăng từ 11 tỷ USD năm 2022 lên mức 38 tỷ USD vào năm 2027. Mức tăng trưởng 240% cho thấy khả năng to lớn của BaaS trong việc gia tăng sự gắn kết giữa các thương hiệu và khách hàng của họ, bằng cách cung cấp các trải nghiệm dịch vụ ngân hàng và thanh toán thân thiện với người dùng.

Thứ hai, với BaaS, ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ thanh toán và tín dụng cho các đơn vị phi tài chính khi họ muốn triển khai các dịch vụ tài chính nhúng ngay trên nền tảng (platform) của họ. Ví dụ như ngân hàng số Cake đang nhúng dịch vụ thanh toán vào ứng dụng gọi xe Be của BeGroup.

Thứ ba, BaaS cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghệ một phần hoặc đầy đủ cho các Fintech hoặc doanh nghiệp nền tảng. Hiểu đơn giản, để tạo ra một giải pháp vay tài chính trọn gói (end2end), Fintech hay doanh nghiệp phải mua công nghệ từ nhiều nhà cung cấp và tích hợp lại với nhau. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí và thời gian tích hợp, doanh nghiệp sẽ tiếp cận các nhà cung cấp dịch vụ BaaS để thuê dịch vụ từng phần hoặc trọn gói.

Riêng theo mô hình thứ 3, BaaS có nhiều mô hình tiến hoá. Đầu tiên, các BaaS chỉ cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ thuần tuý như hạ tầng dịch vụ thanh toán vay tín dụng trọn gói (end2end).

Tiếp đến, BaaS cung cấp cả công nghệ, giấy phép thông qua mô hình hợp tác kinh doanh với Fintech và doanh nghiệp chưa có giấy phép kinh doanh dịch vụ ngân hàng. Tức một ngân hàng A đứng lên làm dịch vụ BaaS và cung cấp toàn bộ hạ tầng cho doanh nghiệp B. Trong trường hợp doanh nghiệp B muốn có một sản phẩm về tín dụng nhưng không có giấy phép thì ngân hàng A sẽ đồng thời hợp tác kinh doanh. Khi đó sẽ xuất hiện một sản phẩm tín dụng đồng thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp B sẽ tự dùng vốn của mình để kinh doanh các sản phẩm tín dụng.

Cuối cùng, BaaS cung cấp cả công nghệ, giấy phép và vốn cho vay. Ở đây khác với bước tiến hoá trước ở chỗ, thay vì doanh nghiệp B tự bỏ tiền ra cho vay thì ngân hàng A giờ đây có thể đứng ra cho vay luôn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp B cung cấp dịch vụ tài chính nhưng tận dụng tối đa nguồn lực của ngân hàng A, doanh nghiệp có sản phẩm đồng thương hiệu nhưng sẽ phải trả phí cao hơn cho ngân hàng.

Với mô hình tiến hoá trên, lợi thế của các ngân hàng đã được chỉ rõ. Bởi lẽ, ngân hàng tận dụng được lợi thế về năng lực, kinh nghiệm và giấy phép kinh doanh mà các doanh nghiệp khác không có. Đây chính là cơ hội để các ngân hàng tạo ra nguồn thu mới.

Các rủi ro của doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ BaaS

Khi hợp tác với các ngân hàng để sử dụng BaaS, các rủi ro sẽ được doanh nghiệp quan tâm. Trên thực tế, một số ngân hàng đã triển khai BaaS, như sự hợp tác giữa VPBank và BeGroup để tạo ra ngân hàng số Cake như đã nói ở trên. Về mặt hoạt động, có thể sẽ có một số rủi ro trong quá trình hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, lợi ích và rủi ro luôn song hành. Theo đó, các tổ chức tài chính hay doanh nghiệp nhỏ sẽ chấp nhận rủi ro cao hơn, bởi họ nhận được lợi ích là giảm chi phí, rút ngắn thời gian đầu tư… Cung và cầu gặp khau khi lợi ích và rủi ro được cân bằng.

Cơ hội để ngân hàng tạo ra nguồn thu mới
Cơ hội để ngân hàng tạo ra nguồn thu mới. Ảnh: Đình Hương

Hiện rủi ro là rào cản lớn nhất để các bên tham gia vào BaaS. Tuy nhiên, tương lai 2-3 năm nữa, khi BaaS đã có thời gian hoạt động ổn định, thì thị trường sẽ có thêm niềm tin và hạ rủi ro đối với mô hình BaaS. Điều này giống như trước đây, khi nền tảng ngân hàng đám mây Mambu - kỳ lân công nghệ của nước Đức mới ra mắt thị trường, ngân hàng còn e ngại hợp tác với một công ty khởi nghiệp sử dụng công nghệ trên điện toán đám mây công cộng. Nhưng đến nay, Mambu đã cung cấp dịch vụ cho gần 300 khách hàng trên toàn cầu thì năng lực và uy tín được khẳng định và khách hàng tự chủ động tiếp cận.

Ngoài ra, dịch vụ BaaS do Mambu và các đối tác của mình tạo ra đã đáp ứng tuân thủ quy định hiện hành về an toàn hệ thống công nghệ thông tin. Tất nhiên để cung cấp dịch vụ, Mambu cũng cần có các tiêu chí khác như hệ thống phải đảm bảo hoạt động 99,99%, tức là trong một năm thời gian ngừng chạy chỉ tối đa 52 phút; dữ liệu luôn được sao lưu dự phòng; sự cố kỹ thuật nghiêm trọng phải được giải quyết trong 2-4 giờ…

Thậm chí, trong trường hợp bất khả kháng, trọng tài quốc tế, thông qua dịch vụ Escrow, sẽ cung cấp mã nguồn của Mambu cho khách hàng để họ tiếp tục triển khai và vận hành. Nhìn chung, mọi tình huống đều có giải pháp để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.

Hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đang dần thay đổi, nhất là sau đại dịch. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng vẫn đang khá thấp nên cần nhiều các tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng hơn nữa. Đây chính là cơ hội cho BaaS phát triển, từ đó, ngân hàng có thể cung cấp dịch vụ cho các đơn vị muốn tham gia thị trường tài chính mà không muốn đầu tư quá nhiều vào việc phát triển hạ tầng công nghệ, thay vào đó là tập trung vào công việc kinh doanh lõi để thu hút khách hàng và tạo ra nhiều doanh thu hơn.

Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam

© Thời báo Tài chính Việt Nam