Những điểm giống và khác nhau quanh sự cố phá sản ngân hàng tại Mỹ

07:52 | 15/03/2023 Print
(TBTCO) - Phân tích về việc 2 ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) của Mỹ phá sản, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, ảnh hưởng lan truyền đến thị trường tài chính sẽ không lớn, do Chính phủ Mỹ đã cam kết đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Tuy nhiên, sự đổ vỡ này cũng để lại một số bài học quan trọng trong quản trị tài chính.

PV: Qua quan sát của ông về sự phá sản của ngân hàng SVB, bản chất chính nằm sau sự sụp đổ của ngân hàng này là gì?

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

TS. Cấn Văn Lực: Về SVB, ngân hàng này tập trung quá nhiều vào một số ít lĩnh vực, đó là công nghệ, đổi mới sáng tạo… Trong khi, đây là những lĩnh vực rủi ro, có nhiều biến động nhanh khi nền kinh tế có sự điều chỉnh, suy giảm tăng trưởng từ đầu 2022 đến nay. Một trong những đặc điểm của SVB là chủ yếu nhận tiền gửi từ doanh nghiệp công nghệ, từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những nguồn vốn này không ổn định, nên khi cần, các doanh nghiệp, quỹ đầu tư rút ra để thanh toán nghĩa vụ đáo hạn.

Ngoài ra, nguồn gốc sự kiện phá sản của SVB được nhìn nhận là do hoạt động kinh doanh - chủ yếu là kinh doanh trái phiếu - thua lỗ. Việc lãi suất tăng nhanh khiến dòng tiền đầu tư vào các công ty công nghệ và startups giảm dần, khiến họ phải sử dụng tiền gửi tại SVB để trang trải chi phí gia tăng. SVB buộc phải bán các trái phiếu này để có tiền chi trả, nhưng càng bán, càng lỗ, phải lên phương án phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp. Nhu cầu huy động vốn cổ phiếu tăng bất thường gây lo ngại cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp gửi tiền và họ đã đồng loạt rút tiền.

SVB đã phá sản vì nguyên nhân kinh điển: khách hàng đồng loạt rút tiền, tháo chạy khỏi ngân hàng.
SVB đã phá sản vì nguyên nhân kinh điển: khách hàng đồng loạt rút tiền, tháo chạy khỏi ngân hàng.

PV: Vậy còn SB, việc phá sản của ngân hàng này có gì khác so với SVB không, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Với trường hợp SB, bản chất hoạt động của ngân hàng cũng khá tương đồng với SVB, đặc biệt việc cùng phục vụ chính các công ty startup và khi các công ty này rút vốn dẫn đến việc mất thanh khoản. Một trong những đặc điểm khác của SB so với SVB chỉ nằm ở chỗ đây là một ngân hàng chuyên phục vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, đồng tiền này giảm giá mạnh trong 2 năm qua do nhiều nước có ý kiến khác nhau về đồng tiền này. Một số nước không muốn phát triển đồng tiền kỹ thuật số không chính thống dẫn đến những khó khăn của ngân hàng này.

PV: Vậy theo ông, SVB và SB phá sản có thể tác động như thế nào đến thị trường tài chính thế giới và Việt Nam?

TS. Cấn Văn Lực: Việc đóng cửa SVB và SB có thể ảnh hưởng đến người gửi tiền và nhiều khách hàng của họ dẫn đến nhiều công ty có thể sẽ gặp phải khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên, các sự cố này sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính, khi đã được can thiệp sớm từ Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC). Trường hợp của SB thực tế vẫn tốt hơn SVB nhưng Chính phủ Mỹ vẫn cho đóng cửa ngân hàng này để có sự chủ động trong xử lý khủng hoảng. Đặc biệt, chính phủ đã đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền cũng đã hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực của việc phá sản các ngân hàng này.

Ngoài ra, sự cố này cũng có thể sẽ khiến FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất thời gian tới. Lý do là, FED nếu vẫn tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong bối cảnh này sẽ khiến thị trường tài chính hứng chịu thêm một cú sốc mới.

Một số thông tin cơ bản về sự cố 2 ngân hàng bị phá sản:

Ngày 10/3, Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tuyên bố phá sản, ghi nhận sự kiện đổ vỡ ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. SVB có tổng tài sản là 212 tỷ USD, trong đó có 165 tỷ USD là tiền gửi.

Tiếp đó vào ngày 13/3, các cơ quan quản lý của Mỹ đã đóng cửa ngân hàng SB nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể lan rộng. SB có tổng tài sản 110,4 tỷ USD và tổng tiền gửi 88,6 tỷ USD.

Các cơ quan quản lý khẳng định, những người gửi tiền tại SVB và SB đều có toàn quyền truy cập vào tiền gửi của họ. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Bộ Tài chính Mỹ đã xây dựng một chương trình khẩn cấp để ngăn chặn các khoản tiền gửi bị rút ồ ạt tại cả 2 ngân hàng này bằng cách sử dụng cơ quan cho vay khẩn cấp của FED, kết hợp với hoạt động của FDIC.

PV: Từ sự cố của SVB và SB, các tổ chức tài chính Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động, bao gồm cả tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro, trong đó cần đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính và cần phát triển bền vững.

Sự việc này cũng cho thấy thị trường tài chính vốn rất nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý đám đông mạnh. Vì vậy, minh bạch, kỷ luật thị trường cùng với nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ tài chính và hiệu quả truyền thông là rất quan trọng.

PV: Ở góc độ quản lý thị trường, những điểm cần lưu ý là gì, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Mỹ là một nền kinh tế có tính thị trường cao, nhưng vai trò, năng lực và hiệu quả của các cơ quan giám sát cũng vẫn rất quan trọng. Với trường hợp SVB, lỗ hổng ở đây là việc cơ quan giám sát ngân hàng của bang này chưa có những cảnh báo kịp thời. Trong khi đó, sự sụp đổ của SB cũng thể hiện sự rủi ro rất lớn của tiền kỹ thuật số trong khi hành lang pháp lý cho việc này còn thiếu.

Ngoài ra, mỗi quốc gia cần có một mạng lưới an toàn tài chính, trong đó cần quan tâm đến rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Theo đó, các nền kinh tế cần có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, bài bản, hiệu quả, trong đó các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn, vai trò bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cổ phiếu tài chính toàn cầu đã mất 465 tỷ USD

Các cổ phiếu tài chính toàn cầu đã mất 465 tỷ USD giá trị thị trường trong hai ngày, khi các nhà đầu tư cắt giảm tiếp xúc với những người cho vay từ New York đến Nhật Bản, sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).

Tổn thất mở rộng vào ngày 14/3, với Chỉ số tài chính châu Á - Thái Bình Dương của MSCI giảm tới 2,7%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 29/11/2022. Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ giảm tới 8,3% tại Nhật Bản, trong khi Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc giảm 4,7% và ANZ Group Holdings Ltd. của Australia giảm 2,8%.

Có những lo ngại rằng các công ty tài chính có thể thấy tác động từ các khoản đầu tư của họ vào trái phiếu và các công cụ khác đối với mối lo ngại do SVB gây ra. Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh vào ngày 13/3 trong bối cảnh FED có thể trì hoãn việc tăng lãi suất do tình trạng hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng.

"Thị trường tài chính đang đi trên vỏ trứng" - John Woods - Giám đốc đầu tư của Credit Suisse Group AG tại châu Á - Thái Bình Dương, cho biết. "Chúng tôi thực sự cần biết chính xác tác động của điều này đối với thị trường. Cảm giác của tôi là FED có thể sẽ tạm dừng tăng lãi suất, vì tôi nghĩ điều này phần lớn liên quan đến rủi ro thanh khoản".

Tổng giá trị thị trường của các công ty có trong Chỉ số Tài chính thế giới MSCI và Chỉ số Tài chính MSCI EM đã giảm khoảng 465 tỷ USD kể từ ngày 10/3. Các ngân hàng khu vực của Mỹ nằm trong số những ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào ngày 13/3 khi Chỉ số Ngân hàng khu vực KBW giảm 7,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.

Các ngân hàng Nhật Bản có tỷ lệ lỗ trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong khu vực, theo dữ liệu của khoảng 130 công ty cho vay châu Á - Thái Bình Dương với hơn 5 tỷ USD tài sản. Jimoto Holdings Inc., Tsukuba Bank Ltd. và Fukushima Bank Ltd. nằm trong số những ngân hàng có tỷ lệ lỗ trên vốn chủ sở hữu ít nhất là 9%. Cả 3 ngân hàng trên, mỗi ngân hàng có vốn hóa thị trường dưới 150 triệu USD, đã bị sụt giảm hơn 10% trong 3 ngày.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam