Đồng Phú Đắk Nông sáp nhập vào Cao su Đồng Phú: Liệu tình hình kinh doanh có khả quan?

13:35 | 16/03/2023 Print
(TBTCO) - Cao su Đồng Phú sẽ phát hành 443.025 cổ phiếu cho cổ đông của Đồng Phú - Đắk Nông với tỷ lệ hoán đổi 3,14:1, tức 3,14 cổ phiếu DPD sẽ nhận 1 cổ phiếu DPR. Ngày đăng ký cuối cùng để hoán đổi là 24/2/2023.
Đồng Phú Đắk Nông sáp nhập vào Cao su Đồng Phú: Liệu tình hình kinh doanh có khả quan?

Kết quả kinh doanh của Cao su Đồng Phú qua từng thời kỳ

Theo đó, mới đây CTCP Cao su Đồng Phú (Cao su Đồng Phú, mã ck: DPR) đã có thông báo thực hiện phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của Đồng Phú - Đắk Nông (mã ck: DPD).

Việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nhằm mục đích thực hiện sáp nhập giữa hai công ty theo chủ trương tái cơ cấu các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (đơn vị sở hữu 55,81% vốn điều lệ của Đồng Phú) cũng như chủ trương tối ưu hóa công tác quản trị điều hành và sản xuất kinh doanh của Đồng Phú.

Công ty CP Cao su Đồng Phú - Đắk Nông (Đồng Phú - Đắk Nông) được thành lập vào 24/7/2008, trong đó Đồng Phú sở hữu 88,41% vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Sau khi hoán đổi, DPR có 43.443.025 cổ phiếu lưu hành, tức vốn điều lệ đạt 434 tỷ đồng.

Dự án trồng cao su của Đồng Phú - Đắk Nông thực hiện trên diện tích 1.253,48 ha với tổng diện tích vườn cây mở cao đến 30/6/2021 là 934,7 ha, chiếm 100% diện tích trồng cao su. Năm 2022, công ty đạt 56 tỷ đồng doanh thu thuần và 7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Về tình hình tài chính, trong năm 2022, Cao su Đồng Phú đạt 1.222 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước (YoY). Trong đó, kinh doanh mủ cao su đạt 838 tỷ đồng, kinh doanh bán cây cao su đạt 141 tỷ đồng và các hoạt động khác đạt 243 tỷ đồng. Quý IV/2022, giá bán cao su bình quân đạt 34.782.244 đồng/tấn, giảm 15,72% so với mức giá 41.273.321 đồng/tấn quý IV/2021.

Trong quá trình phát triển hàng chục năm của Cao su Đồng Phú, mủ cao su là ngành hàng cốt lõi. Do giá mủ cao su giảm, nên lợi nhuận gộp giảm 15,5% YoY xuống còn 364 tỷ đồng, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm 2022 giảm mạnh về 29,76% từ mức 35,36% của năm 2021.

Nhờ nguồn tiền gửi ngân hàng dồi dào đã mang lại cho công ty 63 tỷ đồng lãi tiền gửi trong khoản 68 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Tại thời điểm 31/12/2022, Cao su Đồng Phú có 1.224 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng từ 3 tháng trở lên và 311 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Tính ra mỗi cổ phiếu PHR của Phước Hòa đang sở hữu tiền mặt trị giá 35.708 đồng.

Ngoài ra, lợi nhuận khác đã mang về 39 tỷ đồng cho Cao su Đồng Phú, giảm 186 tỷ đồng tương đương 82,5% YoY. Năm 2021, lợi nhuận khác đạt giá trị lớn xuất phát từ tiền bồi thường cây cao su trên đất.

Sau khi trừ các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Đồng Phú thu về 348 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 39,77% YoY và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ, giảm 44,4% YoY.

So sánh kết quả kinh doanh từ năm 2008 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của Đồng Phú rất bấp bênh, biến động theo giá mủ cao su. Năm 2011 giá mủ cao su có lúc đạt 120 triệu đồng/tấn giúp Cao su Đồng Phú đạt kỷ lục lịch sử về doanh thu 1.837 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 802 tỷ đồng.

Năm 2015 - 2016, doanh thu và lợi nhuận của Cao su Đồng Phú thấp kỷ lục khi giá cao su giảm sâu còn khoảng 27,5 triệu đồng/tấn.

Theo lịch sử giao dịch của DPD trên UpCom, từ ngày 19/1 - 17/2, trải qua 17 phiên liên tiếp, DPD đều không có thanh khoản và giữ ở mức 23.500 đồng/cổ phiếu. Đến ngày 18/2, DPD được điều chỉnh xuống 16.000 đồng/cổ phiếu và có giao dịch trở lại, nhưng chỉ với 2.000 cổ phiếu. Ngày 21/2 DPD tiếp tục mất thanh khoản, và ngày 22/2 (ngày cuối cùng được giao dịch), DPD chốt phiên 15.300 đồng/cổ phiếu.

Kỳ Phương

© Thời báo Tài chính Việt Nam