Lời giải cho bài toán quản lý nợ thuế của ngành Hải quan

08:08 | 17/03/2023 Print
(TBTCO) - 90 ngày là thời gian mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa có thể làm hồ sơ xin ân hạn thuế. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thời gian này đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế, gian lận thuế, gây thất thu cho ngân sách. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nợ thuế trở thành bài toán khó giải mà ngành Hải quan phải đối diện trong nhiều năm qua.

Nhiều khoản nợ nhưng không có khả năng thu

Thống kê sơ bộ cho thấy, nợ thuế quá hạn do cơ quan hải quan quản lý đến ngày 31/12/2022 là 5.716 tỷ đồng, tăng 2,44% so với năm 2021, bằng 1,3% số thu ngành Hải quan năm 2022. Cụ thể, nợ khó thu là 4.072 tỷ đồng; nợ chờ xử lý 45,66 tỷ đồng; nợ có khả năng thu 1.332 tỷ đồng và nợ do phạt vi phạm hành chính trên 265 tỷ đồng.

Nhắc đến câu chuyện nợ thuế, hầu hết các đơn vị hải quan tại cơ sở đều coi đây là bài toán khó, bởi gọi là “nợ” nhưng thực tế phần lớn đều được liệt vào danh sách khó thu, không có khả năng thu.

Ví dụ tại Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến 31/12/2022, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn đối với các tờ khai đã thông quan là 184,3 tỷ đồng. Trong đó nợ khó thu thuộc diện khoanh, xóa là 180,78 tỷ đồng; nợ có khả năng thu là 2,5 tỷ đồng; nợ phạt vi phạm hành chính là 0,68 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN) đã ngừng hoạt động, bỏ trốn... và số nợ đã trên 10 năm, có những DN nợ đã gần 20 năm.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều trường hợp nợ thuế rất lớn từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng. Trong đó, có nhiều cái tên khá quen thuộc như: Công ty TNHH Timatex vì nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với số tiền 72 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và phát triển Sài Gòn, với số nợ thuế 404,5 tỷ đồng. Công ty CP Phát triển và kinh doanh nhà nợ 351,8 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn nợ 339,3 tỷ đồng. Công ty CP Đức Khải nợ 334,3 tỷ đồng... Nhiều DN thực hiện hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn với số tiền nợ bị cưỡng chế.

Những năm qua, ngành Hải quan đã chú trọng xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ quá hạn để có giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, hợp lý; đảm bảo công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ được đồng bộ, nhất quán, đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với Nhà nước.

Các cục hải quan tỉnh, thành phố cũng theo dõi chặt chẽ các khoản nợ; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.

Tổng cục Hải quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi nợ thuế trên cơ sở kiểm tra công tác phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu để ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các cục hải quan tỉnh, thành phố; chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng DN nợ, tình trạng thực tế của DN, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới.

Áp dụng chế tài mạnh hơn

Tuy nhiều giải pháp đã được áp dụng, song khó khăn còn “trùng điệp”. Theo ông Trần Hoài Nam – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Gia Thụy, Cục Hải quan TP. Hà Nội, do thời gian quá lâu, DN đã bị đóng cửa hoặc bị thu hồi giấy phép kinh doanh, việc cưỡng chế, truy thu số thuế đó khiến cơ quan hải quan gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, những DN này cũng đã rời bỏ địa điểm đăng ký kinh doanh. “Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan phường, xã để kiểm tra, tuy nhiên không phải lúc nào cũng đạt kết quả như mong muốn” - ông Nam cho hay.

Tương tự tại Bình Dương, sau nhiều năm kiên trì và quyết tâm thực hiện, hoàn thiện các bước cưỡng chế nợ nhưng cơ quan hải quan chỉ thu hồi được số tiền nợ đọng thuế rất hạn chế. Ông Lê Văn Danh - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, biện pháp trích tiền từ tài khoản hiện đang được đơn vị áp dụng đã mang hiệu quả cao. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ hiệu quả đối với khoản nợ mới phát sinh, phần lớn số tiền dư không nhiều do các chủ nợ đều rơi vào tình trạng khó khăn. Biện pháp thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cả nhân khác đang nắm giữ, trên thực tế không phát huy hiệu quả, vì để có được thông tin tổ chức, cá nhân, bên thứ 3 đang giữ tiền, tài sản của đối tượng cưỡng chế là khó thực hiện.

Một số cục hải quan có kết quả thu hồi nợ thuế tốt

Năm 2022, một số cục hải quan tỉnh, thành phố có kết quả thu hồi nợ thuế tốt là: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đạt 96,91 tỷ đồng; Cục Hải quan Hải Phòng đạt 49,4 tỷ đồng; Cục Hải quan Bình Dương đạt 47,44 tỷ đồng; Cục Hải quan Đồng Nai đạt 46,15 tỷ đồng; Cục Hải quan Hà Nội đạt 34,92 tỷ đồng. Một số cục hải quan có kết quả thu hồi nợ thuế chưa tốt là: Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Định.

Để ngăn chặn việc gia tăng nợ đọng, ngành Hải quan sẽ áp dụng những chế tài mạnh hơn, sẽ siết chặt quy định quản lý nợ thuế, quy trình khoanh nợ, xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp.

Để biết tình trạng DN nợ đọng thuế xuất nhập khẩu (XNK) trên dưới 20 năm còn hoạt động hay không, các chi cục hải quan thường phải gửi công văn đi nhiều nơi để xác minh thông tin; xác minh để giám sát, đăng tải các thông tin về nợ đọng thuế trên các phương tiện truyền thông, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan khác…

Ngành Hải quan cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định hàng hóa XNK phải nộp xong thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng. Ngoài ra, nếu chậm nộp thuế, DN phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp và phải chịu lãi tiền chậm nộp là 0,05%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. Thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Đây là một trong những giải pháp sẽ đem lại hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng nợ đọng thuế, thất thu thuế XNK hiện nay.

Ngoài ra, ngành Hải quan cũng triển khai và đôn đốc các cục hải quan tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp có khả năng xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 để thực hiện xóa nợ, nhằm làm giảm số nợ thuế.

Quá trình khoanh nợ, xóa nợ thuế được ngành Hải quan thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, bảo đảm điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục và chịu trách nhiệm của cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; đảm bảo công khai, minh bạch, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và giám sát của người dân. Qua đó, cơ quan hải quan nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ỳ, nợ thuế.

Phân loại đối tượng nợ thuế thuộc nhóm nợ khó thu

Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã bổ sung cụ thể các đối tượng nợ thuế thuộc nhóm nợ khó thu. Bao gồm:

- Nợ của người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự chưa có đề nghị khoanh nợ, hồ sơ đề nghị xóa nợ; Nợ của người nộp thuế đang trong quá trình giải thể; Nợ của người nộp thuế đang trong thời gian làm thủ tục phá sản; Nợ của người nộp thuế đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố hình sự, thụ lý hoặc chờ kết luận của cơ quan pháp luật, chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế; Nợ của người nộp thuế nhập khẩu linh kiện xe hai bánh gắn máy theo tỷ lệ nội địa hóa năm 2001, 2002; Nợ của người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

- Nợ khó thu khác: gồm các khoản tiền nợ quá hạn quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, không thuộc các đối tượng nêu trên, cơ quan Hải quan đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng nhưng không thu hồi được tiền nợ.

* Ông Lưu Mạnh Tưởng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

Khoanh nợ, xoá nợ cho đối tượng không có khả năng nộp sẽ giảm mạnh số nợ thuế

Lời giải cho bài toán quản lý nợ thuế của ngành Hải quan
Ông Lưu Mạnh Tưởng

Ngành Hải quan đang áp dụng cả 7 biện pháp để thu hồi nợ thuế, trong đó có cả việc tra soát tài khoản ngân hàng đối với doanh nghiệp nợ thuế; yêu cầu ngân hàng nơi doanh nghiệp nợ thuế mở tài khoản phải trích tài khoản của doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước; dừng làm thủ tục hải quan nếu doanh nghiệp vẫn chây ỳ.

Cơ quan hải quan cũng kịp thời thông báo với cơ quan thuế để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp dừng hóa đơn; đề nghị cơ quan kế hoạch - đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Thậm chí, với một số trường hợp, cơ quan hải quan đã sử dụng biện pháp mạnh là kê biên tài sản, tịch thu và tổ chức bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ. Số nợ thuế tồn đọng hiện nay chủ yếu là do nợ cũ không khoanh, không xóa được, nên cứ mỗi ngày qua đi nợ sẽ phát sinh do tính tiền chậm nộp.

Việc đưa vào thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ đưa số nợ thuế do ngành Hải quan quản lý giảm mạnh.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết này, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tập hợp hồ sơ thuộc đối tượng được xóa nợ, khoanh nợ và thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo đúng quy định.

* Ông Phan Quốc Đông - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hà Nội:

Vẫn còn vấn đề vướng mắc tiếp tục tháo gỡ

Lời giải cho bài toán quản lý nợ thuế của ngành Hải quan
Ông Phan Quốc Đông

Các khoản nợ thuế hiện nay phát sinh tại đơn vị hầu hết đều từ thời điểm trước khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực. Cục đã triển khai rất nhiều các biện pháp để giảm số nợ này, song cũng còn nhiều vấn đề vướng mắc.

Đơn cử như một vài biện pháp liên quan đến tịch biên tài sản hiện nay khó thực hiện, do doanh nghiệp nợ thuế đã bỏ trốn, mất tích thì tài sản không còn. Trình tự tịch biên thu hồi cũng là một khó khăn bởi ngành Hải quan chưa có được trình tự thủ tục riêng đối với việc này. Riêng biện pháp cấm xuất nhập cảnh đối với các cá nhân có liên quan đến doanh nghiệp (chủ sở hữu, giám đốc…) đang được áp dụng là thu được hiệu quả tương đối tốt.

* Ông Nguyễn Văn Hường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh:

Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn

Lời giải cho bài toán quản lý nợ thuế của ngành Hải quan
Ông Nguyễn Văn Hường

Trong công tác quản lý nợ thuế, việc phản hồi, cung cấp thông tin của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương theo đề nghị của cơ quan hải quan còn chậm, nhiều trường hợp không phản hồi. Cá biệt, có trường hợp cơ quan hải quan gửi công văn đề nghị đến 6 lần mới nhận được thông tin phản hồi, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các biện pháp cưỡng chế, đôn đốc thu hồi, xử lý nợ thuế.

Để chống thất thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo số nợ thuế giảm và không phát sinh thêm, cần phải có quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan để chia sẻ thông tin cũng như khi phát sinh các trường hợp nợ thuế phức tạp phải có hướng dẫn cụ thể. Trong đó, cần luật hóa về thời hạn cung cấp thông tin phản hồi của cơ quan chức năng cho cơ quan hải quan để kịp thời thực hiện biện pháp cưỡng chế.

Đồng thời, có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan hải quan với các cơ quan thuế nội địa, cơ quan công an, cơ quan đăng ký kinh doanh và chính quyền địa phương để có thể kiểm soát được đối với doanh nghiệp nợ ngừng hoạt động, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nợ có nhu cầu đăng ký doanh nghiệp mới hay bỏ trốn...

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam