Chìa khóa để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành vùng đất phồn vinh

20:04 | 17/03/2023 Print
(TBTCO) - Chia sẻ quan điểm tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, TS. Huỳnh Huy Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho rằng, để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cất cánh, cần có quyết tâm chính trị cao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để biến những địa phương nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành vùng đất phồn vinh.
Phát huy vai trò, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Huy động các nguồn lực để phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực

TS. Huỳnh Huy Hòa đánh giá, trong gần 20 năm hình thành và phát triển, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung đã đạt được một số thành tựu phát triển nhất định. Tuy vậy, so với kỳ vọng đặt ra, vùng chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, đóng góp của vùng vào quy mô chung của cả nước vẫn còn thấp, năng lực nội sinh của vùng còn yếu, nên chưa thể hiện rõ vai trò là vùng kinh tế động lực. Trong khi các Vùng KTTĐ Bắc bộ và Vùng KTTĐ phía Nam đã có các nhân tố mới đang tạo động lực phát triển mạnh.

Chìa khóa phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành vùng đất phồn vinh
TS. Huỳnh Huy Hòa phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: TN

Bên cạnh đó, Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long đã được định hình các chuỗi giá trị sản xuất toàn vùng và phát triển bền vững dựa trên Nghị quyết 120-NQ/TW, thì Vùng KTTĐ miền Trung đang phát triển chậm lại và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Đóng góp của “đầu tàu” - thành phố Đà Nẵng với vùng dưới mức kỳ vọng, thấp hơn hai tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Trong 5 tỉnh, chỉ có 2 tỉnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực; 3 tỉnh, thành phố còn lại chưa có dự án động lực, thúc đẩy phát triển vùng.

"Trong 10 - 15 năm tới cần huy động mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoàng 9 - 10%/năm, nếu không muốn tiếp tục trở thành vùng trũng trong sự phát triển chung của đất nước, trở thành địa bàn rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” sớm nhất" - TS. Huỳnh Huy Hòa nói.

TS. Huỳnh Huy Hòa phân tích, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu đổi chiều từ tăng trưởng chậm dần sang tăng trưởng cao dần, đang mở ra thời cơ tạo nên bước đột phá mới. Kinh tế Việt Nam đang kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5%/năm cho giai đoạn đến năm 2030, và đến năm 2035 GDP/người, nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ đạt khoảng 18.000 USD.

Trong bối cảnh chung về cơ hội phát triển nhanh và bền vững của đất nước, Vùng KTTĐ miền Trung cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để biến những địa phương nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành vùng đất phồn vinh trong 15 - 20 năm tới, rút ngắn khoảng cách phát triển so với kinh tế hai đầu Bắc, Nam.

Lấy tiềm năng, lợi thế của vùng làm động lực phát triển

Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố là: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, có diện tích tự nhiên 27.881,7 km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước, đứng thứ hai trong bốn vùng KTTĐ. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Vùng KTTĐ miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế.

Chìa khóa phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành vùng đất phồn vinh

Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” thu hút đông đảo đại biểu tham dự Ảnh: TN

Trong mối quan hệ với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vai trò này càng được nhấn mạnh và thể hiện rõ hơn, không chỉ được xem là khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, mà còn được kỳ vọng là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Xét trong mối quan hệ liên vùng, Vùng KTTĐ miền Trung là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế, đồng thời là điểm trung chuyển hàng hóa với các tỉnh Tây Nguyên, và là cửa ngõ ra biển thuận tiện nhất đối với các tỉnh thuộc vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây.

Đối với cả nước, Vùng KTTĐ miền Trung được xác định có vị trí quan trọng để trở thành đầu mối của cả nước, đảm nhận vai trò trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của Vùng Mê Kông lớn và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Từ năm 2004, chủ trương phát triển Vùng KTTĐ miền Trung đã được đặt ra và duy trì sự nhất quán qua các thời kỳ, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng về vị trí địa kinh tế - chính trị, tài nguyên thiên nhiên, trở thành địa bàn phát triển nhanh và bền vững dựa trên lợi thế kinh tế biển và ven biển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo TS. Huỳnh Huy Hòa, quy mô kinh tế Vùng KTTĐ miền Trung không ngừng gia tăng nhưng vẫn còn nhỏ, một số dấu hiệu chuyển biến tích cực đang được thể hiện. Nền kinh tế tăng trưởng liên tục nhưng có xu hướng thấp dần và ngày càng thấp hơn so với bình quân chung, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn đầu tư. Chuyển dịch nội bộ các ngành kinh tế theo xu hướng tích cực nhưng còn chậm, kinh tế biển và vùng ven biển đang trở thành động lực phát triển của vùng.

Một số ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng chưa có ngành kinh tế mũi nhọn, tạo khả năng cạnh tranh, lan tỏa và động lực tăng trưởng bền vững cho vùng. Các loại hình kinh tế phát triển nhanh và đa dạng nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, chưa có nhiều dự án lớn, đột phá mang tính động lực, lan tỏa cho vùng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước. Do đó, để Vùng KTTĐ miền Trung cất cánh, cần có quyết tâm chính trị cao./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam