Thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển

06:33 | 18/03/2023 Print
(TBTCO) - Từ trước đến nay, việc hoàn thành các dự án giao thông đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các địa phương có dự án đi qua sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Chính vì vậy, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là vẫn sẽ song hành với địa phương, vào cuộc như dự án phụ trách trực tiếp, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh…

Song hành với các dự án giao thông phân cấp địa phương

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện các dự án dự kiến khởi công trong năm 2023 mới đây, ông Lê Quyết Tiến - quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, phát biểu cho biết năm 2023, dự kiến khởi công 27 dự án. Riêng quý 1/2023, kế hoạch khởi công 8 dự án.

Binh đoàn 12, một trong những đơn vị chủ chốt tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG
Binh đoàn 12, một trong những đơn vị chủ chốt tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Việt Dũng

Quý II/2023, có 8 dự án sẽ được khởi công. Trong đó, 5 dự án quan trọng quốc gia khởi công trước ngày 30/6 tới đây gồm: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Quý III/2023 sẽ có 6 dự án được khởi công gồm: cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ khu vực phía Nam; dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ qua tỉnh Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ; quốc lộ 14B qua TP. Đà Nẵng.

Quý IV/2023, sẽ khởi công 5 dự án gồm: dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, dự án phân cấp cho địa phương nhưng bộ sẽ vẫn song hành, vào cuộc như dự án phụ trách trực tiếp. Các địa phương với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần bám vào quy chế phối hợp để triển khai thực hiện. Các đơn vị chức năng của ngành GTVT phải chủ động tương tác, trao đổi cụ thể với địa phương, đẩy nhanh công tác thẩm định; không ngồi chờ hồ sơ trình đến nơi mới phản hồi, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư, làm chậm các bước tiếp theo.

Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị các địa phương được giao làm cơ quan có thẩm quyền các dự án trọng điểm quốc gia cần thực hiện nghiệm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không chia nhỏ gói thầu. Nhà thầu được lựa chọn phải rất chuyên nghiệp, có uy tín, đủ năng lực, nhân lực, thiết bị, tránh tình trạng giao thầu cho một số doanh nghiệp xây lắp thông thường, chưa bao giờ thi công đường cao tốc, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng dự án…

Không để xảy ra tình trạng thông đồng, ép giá bán vật liệu

Liên quan đến tình hình cung ứng nguồn vật liệu các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT cũng vừa báo cáo Chính phủ trong đó nhận diện các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp giải quyết triệt để nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng theo thẩm quyền để giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đáp ứng tiến độ thi công các dự án, theo các nghị quyết của Chính phủ.

Địa phương khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án thực hiện rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công; chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với các chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu... đối với các mỏ mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của nhà nước quy định.

Ngoài ra, UBND các tỉnh thành giao sở xây dựng, sở tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố; cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, chỉ số giá xây dựng đảm bảo phù hợp với giá mặt bằng trong khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau (tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3, Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3); thực hiện thủ tục tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022.

8 dự án sẽ được khởi công trong quý II/2023

Quý II/2023, có 8 dự án sẽ được khởi công. Trong đó, 5 dự án quan trọng quốc gia khởi công trước ngày 30/6 tới đây gồm: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam