Thị trường tiền tệ tuần 13/3 – 17/3:

Ngân hàng Mỹ phá sản chưa có ảnh hưởng dây chuyền, tỷ giá và lãi suất đều giảm

17:42 | 17/03/2023 Print
(TBTCO) - Diễn biến thu hút sự quan tâm nhất trên thị trường tiền tệ quốc tế tuần qua là những vấn đề liên quan đến động thái của Chính phủ Mỹ trong việc chèo chống khủng hoảng phá sản ngân hàng. Trong khi đó tại thị trường trong nước, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục củng cố thêm lòng tin của giới đầu tư về xu hướng hạ nhiệt của lãi suất, qua đó tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh tế thời gian tới.

Kiểm soát ảnh hưởng của ngân hàng Mỹ phá sản

Sự kiện sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) dù đã diễn ra từ cuối tuần trước, nhưng động thái của Chính phủ Mỹ liên quan đến giải pháp với các ngân hàng này vẫn là những thông tin trọng tâm diễn ra trong tuần này. Theo đó, ngay vào đầu tuần, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thiết lập một cơ sở khẩn cấp mới để cho phép các ngân hàng cầm cố một loạt tài sản chất lượng cao lấy tiền mặt trong thời hạn một năm. Các cơ quan quản lý cũng cam kết sẽ bảo vệ đầy đủ kể cả những người gửi tiền không được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo việc lộ trình tăng lãi suất của FED có thể sẽ phải xem xét lại sau sự kiện sụp đổ của các ngân hàng vừa diễn ra. Không những thế, nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới có thể cũng sẽ phải tạm trì hoãn các kế hoạch tăng lãi suất. Chính sách tiền tệ của các nước thay vì ưu tiên mục tiêu thắt chặt để kiểm soát lạm phát như trước đây sẽ phải điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn (hoặc ít thắt chặt hơn) để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính và nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Ngân hàng Mỹ phá sản chưa có ảnh hưởng dây chuyền, tỷ giá và lãi suất đều giảm
Ngân hàng Mỹ phá sản trở thành tâm điểm của giới tài chính toàn cầu. Ảnh: T.L

Lãi suất điều hành trong nước giảm

Tại thị trường tiền tệ trong nước, động thái đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc NHNN đã công bố 2 quyết định quan trọng giảm các mức lãi suất điều hành.

Kinh tế toàn cầu còn nhiều diễn biến phức tạp

Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế.

Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: IMF (01/2023): 2,9%; WB (01/2023): 1,7%; trong khi dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng: IMF (01/2023): 6,6% (trước đó dự báo 6,5%) và 4,3% năm 2024 (trước đó là 4,1%).

Cụ thể, Quyết định số 313 /QĐ-NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 6%/năm, giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Quyết định số 314/QĐ-NHNN giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN tiếp tục cho thấy ngành ngân hàng vẫn đang cố gắng thực hiện các giải pháp để đưa mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa. Theo đó, lãi suất hạ thấp cũng sẽ tạo thêm động lực cho doanh nghiệp tiết giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, lãi suất hạ cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, hỗ trợ tăng thanh khoản cho thị trường này.

Ngân hàng Mỹ phá sản chưa có ảnh hưởng dây chuyền, tỷ giá và lãi suất đều giảm
Dự trữ ngoại hối dồi dào là yếu tố thuận lợi cho việc ổn định tỷ giá. Ảnh: T.L

Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối dồi dào

Tuần qua, tỷ giá vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng ổn định. Tỷ giá trung tâm đầu tuần ghi nhận ở mức 23.638 đồng/USD, sau một phiên giảm mạnh ngày thứ ba đã có những phiên điều chỉnh với biên độ rất nhẹ sau đó, chốt tuần ở mức 23.620 đồng, thấp hơn 18 đồng so với đầu tuần.

Tại Vietcombank, tỷ giá đầu tuần ghi nhận ở mức 23.370/23.400/23.740 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra) và cũng có một tuần diễn biến êm ả. Chốt tuần, tỷ giá tại Vietcombank là 23.380/23.410/23.750 đồng/USD, chỉ tăng nhẹ 10 đồng so với đầu tuần.

NHNN cho biết, từ tháng 1/2023 đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông. Giữa tháng 3/2022, tỷ giá trung tâm ở mức hiện tăng khoảng 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng giảm 0,1% so với cuối năm 2022. Tỷ giá niêm yết mua/bán của Vietcombank tương đương mức cuối năm 2022.​

Vàng tăng súc hút nhờ khủng hoảng ngân hàng

Khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ trở thành yếu tố giúp người nắm giữ vàng hưởng lợi do dòng tiền chuyển dịch sang nắm giữ vàng để phòng vệ rủi ro. Giá vàng trong nước do đó cũng tăng theo cùng với diễn biến chung của giá vàng thế giới.

Giá vàng đã tăng ngay hôm đầu tuần, ghi nhận giá vàng miếng SJC hôm 13/3 là 66,3 triệu đồng/lượng mua vào và 67,02 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 150 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Trong các ngày tiếp theo, giá vàng vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng cho dù xen kẽ cũng có một số thời điểm điều chỉnh. Đến phiên cuối tuần ngày 17/3, giá vàng miếng SJC 9999 ở mức 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,22 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 200 nghìn đồng/lượng so với đầu tuần.

Định hướng cho xu hướng giảm lãi suất, nhưng rủi ro lạm phát vẫn còn

NHNN cho biết, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, áp lực lạm phát vẫn còn lớn trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam