Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao hiệu quả quản lý thuế

09:25 | 18/03/2023 Print
(TBTCO) - Tăng cường áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Đó là một trong những nhiệm vụ then chốt ngành Thuế quyết liệt thực hiện, nhằm triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TCT về Kế hoạch hành động của Tổng cục Thuế thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao hiệu quả quản lý thuế
Ngành Thuế đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Ảnh: TN

Theo đó, kế hoạch của Tổng cục Thuế yêu cầu lãnh đạo tổng cục căn cứ vào các giải pháp, nhiệm vụ Chính phủ giao trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính tại Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 12/1/2023; Quyết định số 33/QĐ-BTC ngày 12/1/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và nội dung của quyết định này; đồng thời chỉ đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, đảm bảo đạt mục tiêu và yêu cầu; chủ động kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Thuế theo lĩnh vực được phân công.

Tổng cục Thuế chỉ đạo thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị chức năng tổng hợp, báo cáo đánh giá phân tích tình hình thu ngân sách hàng tháng, quý, năm, từ đó đề xuất các biện pháp quản lý thu ngân sách phù hợp. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ kịp thời theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế, quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế.

Triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.

Trong đó, cần phân tích đánh giá cụ thể từng địa bàn, khu vực sắc thuế để xác định các khoản thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu; tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số và các dịch vụ được cung cấp bởi các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với các khoản thu về đất và bất động sản; hóa đơn may mắn và hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền.

Để cải cách thủ tục hành chính thuế, Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; yêu cầu các cục, vụ chức năng thuộc Tổng cục Thuế cần tiếp tục nâng cấp ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS, các ứng dụng đáp ứng được những thay đổi nghiệp vụ quản lý nợ; xây dựng cảnh báo đối với từng địa phương có số nợ thuế tăng cao, có các khoản nợ thuế bất thường để rà soát, xác minh nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao hiệu quả quản lý thuế
Tổng cục Thuế thường xuyên tổ chức tập huấn, thi đánh giá năng lực trình độ chuyên môn công nghệ thông tin của cán bộ công chức thuế. Ảnh: VH

Tổng cục Thuế giao các cục, vụ thuộc Tổng cục Thuế và cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đẩy mạnh áp dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đối với công tác thanh, kiểm tra, Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế cần rà soát kế hoạch thanh, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp; thực hiện công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra nhằm hạn chế tiêu cực.

Triển khai các dịch vụ khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp cần đẩy mạnh tổ chức các buổi đối thoại, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp và người nộp thuế, vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử, phục vụ việc tra cứu thông tin của người nộp thuế. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ chính sách thuế mới để doanh nghiệp hiểu về chính sách thuế.

Ngoài ra, kế hoạch của Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp cần tiếp tục đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách thuế tạo điều kiện phát triển và tăng cường vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong một số ngành kinh tế chủ lực. Trong đó, lưu ý tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhằm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, thị trường vật liệu xây dựng ổn định, bền vững, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, kế hoạch cũng đề ra yêu cầu cần xử lý ngay những bất cập về thuế để các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế và nuôi dưỡng nguồn thu cho NSNN./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam