Thống nhất một đầu mối để khắc phục bất cập trong kiểm tra chuyên ngành

08:20 | 20/03/2023 Print
(TBTCO) - So với trước, sự chồng chéo trong quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có giảm, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong khi thủ tục hải quan ngày càng nhanh chóng song thời gian thông quan lại cải thiện chậm, một phần do kiểm tra chuyên ngành.

Có tình trạng chồng chéo "trớ trêu"

Trong phần tổng hợp vướng mắc của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) liên quan đến quản lý chuyên ngành, có thể thấy rất nhiều tình trạng chồng chéo đến “trớ trêu”.

Ví dụ điển hình, có doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực nông nghiệp phản ánh, hiện nay, mặt hàng đông trùng hạ thảo đang chịu sự quản lý của hai bộ và mãi chưa “phân thắng bại”. Nguyên nhân là bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vì cho rằng mặt hàng này có nguồn gốc thực vật, nhưng Bộ Y tế cũng quản lý vì cho rằng đây là dược phẩm. Ngay trong nội bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật quản lý mặt hàng này vì cho rằng liên quan đến nguồn gốc thực vật; nhưng một cơ quan khác trong bộ này lại cũng quản lý vì cho rằng có yếu tố động vật.

Một dẫn chứng khác là mặt hàng kính xây dựng nhập khẩu. Trước năm 2021, DN chỉ cần có giấy chứng nhận chất lượng của đơn vị thứ 3 được Bộ Xây dựng chỉ định thì tờ khai được thông quan. Nhưng từ năm 2021 tới nay, theo quy định mới, ngoài việc có chứng nhận như trên, DN còn phải làm thêm bước nộp hồ sơ cho sở xây dựng để ra “Kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu”. Điều này dẫn tới thời gian thông quan hàng hoá chậm hơn nhiều so với trước đây, ảnh hưởng tới việc lưu thông hàng hoá của DN.

Công chức hải quan kiểm tra hàng hóa là máy móc nhập khẩu. Ảnh: H.VÂN
Công chức hải quan kiểm tra hàng hóa là máy móc nhập khẩu. Ảnh: H.VÂN

Ngoài ra, các DN cũng phản ánh tình trạng chung là trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp; mỗi bộ, mỗi ngành mỗi kiểu. DN mất nhiều thời gian đọc hiểu các luật chuyên ngành và các nghị định hướng dẫn. Trong khi đó, cách hiểu và cách triển khai giữa các bộ, ngành lại chưa thống nhất. Chưa kể, danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành quá nhiều. Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà.

Vẫn chưa thể thống nhất

Bàn về giải pháp, nhiều DN tán thành phương án cần có một đầu mối quản lý việc này, mà hợp lý nhất vẫn là cơ quan hải quan.

Ông Nguyễn Tất Thắng - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (XNK), Công ty TNHH Advantage Logistics cho rằng, mỗi lần thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, DN phải tới nhiều cơ quan khác nhau để lấy số tiếp nhận mới đăng ký được hồ sơ hải quan. Mỗi lần như thế tốn rất nhiều chi phí. Những vướng mắc, bất cập về kiểm tra chuyên ngành cần có một đầu mối tiếp nhận thông tin để giải quyết cho DN, hạn chế việc DN phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi...

Thủ tục hải quan chỉ chiếm trên 30% thời gian giải phóng hàng tại cửa khẩu

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng trên thực tế, kết quả đo thời gian giải phóng hàng tại cửa khẩu chỉ có trên 30% thời gian thông quan liên quan đến thủ tục hải quan, còn lại của các bộ, ngành khác. Trong thời gian qua, sự nỗ lực của ngành Hải quan trong chuyển đổi số, ứng dụng quy trình quản lý hiện đại để kéo giảm thời gian thông quan là rất đáng trân trọng. Cơ quan hải quan sẵn sàng lắng nghe để thay đổi và kết quả mang lại rất rõ rệt, được doanh nghiệp đánh giá cao. Hiện, ngành Hải quan đã xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo nghị định cơ chế quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên vẫn một số ý kiến khác nhau, chưa đồng thuận, nên đang tiếp tục hoàn thiện.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hội XNK Đồng Nai, đề xuất nên nghiên cứu thực hiện kết nối điện tử cho việc đăng ký kiểm tra chất lượng và trả kết quả giữa các đơn vị kiểm tra, kiểm định và cơ quan hải quan để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Việc đăng ký và trả kết quả sau đó cơ quan hải quan kiểm tra trên hệ thống một cửa và thực hiện thông quan tờ khai hải quan. Ngoài ra, sau khi có kết quả kiểm tra, DN sẽ phải tự công bố hợp quy, hợp chuẩn để lưu thông hàng hoá. Đặc biệt, theo ông Hưng, nên giao cho một đầu mối là cơ quan hải quan căn cứ trên chứng thư công bố Quy chuẩn chất lượng của nhà sản xuất và bên thứ 3 là cơ quan kiểm định hàng hóa XNK để hoàn thành các thủ tục thông quan, tiết giảm thời gian và chi phí cho DN.

Nhận định bất cập về kiểm tra chuyên ngành đang là rào cản đối với hoạt động XNK, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho rằng, để giảm thời gian thông quan không chỉ phụ thuộc vào cơ quan hải quan mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành. Về lâu dài, nên giao cơ quan hải quan là đầu mối cuối cùng để thuận lợi cho DN, vì hải quan là đơn vị cuối cùng quyết định việc thông quan hàng hoá.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Hiện nay, Tổng cục Hải quan (đơn vị được giao soạn thảo) đã xây dựng dự thảo nghị định, tổ chức lấy ý kiến, tổ chức họp, hội thảo với các bộ, cơ quan, DN để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị định.

Bộ Tài chính cũng đã chính thức báo cáo, trình Chính phủ nhiều lần. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thuý Hoà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), hiện còn một số vấn đề kỹ thuật chưa thống nhất. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo nghị định cơ chế quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, ban soạn thảo đang rà soát kỹ từng nội dung; nghiêm túc lắng nghe, đánh giá khách quan các ý kiến để tiếp thu; trong đó phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có được sự đồng thuận.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam