Thủ tướng Chính phủ: Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

15:51 | 19/03/2023 Print
(TBTCO) - Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm; không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu bền vững; càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Chùm ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên cấp cao Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên Việt Nam kêu gọi đảm bảo công bằng, công lý trong chuyển đổi xanh Cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh

Phát triển hôm nay phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của diễn đàn rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh".

"Các phát biểu tại diễn đàn cho thấy chúng ta rất hiểu nhau, rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng vượt qua khó khăn và cùng nhau làm tốt hơn trong thời gian tới. Qua nhiều lần tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tôi luôn cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự chân thành, tin cậy giữa hai bên" - Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ: Tránh tình trạng

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn

Chia sẻ về chủ đề của diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong quá trình này, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng chiến lược và quan điểm.

Cụ thể, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. "Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân, nhưng phải bảo đảm sức khoẻ cho người dân" - Thủ tướng nói.

Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.

Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt". Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế và chính trị.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sớm có chính sách phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu

Đánh giá các ý kiến tại diễn đàn rất tâm huyết, thẳng thắn, mang tính xây dựng và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo tới các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cũng như kiến nghị về sửa đổi thể chế, cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ: Tránh tình trạng
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các đại diện hiệp hội, doanh nghiệp tại diễn đàn

Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và các quy định liên quan. Với ngành dược, Quốc hội đã ban hành Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và sắp tới các cơ quan sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược.

Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam, nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả, nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp.

Do đó, các bên phải đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân. Mặt khác, Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.

"Tôi mong rằng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp; phát huy những kết quả đạt được trong 25 năm đối thoại, không có gì ngăn cản được chúng ta hợp tác trên tinh thần cùng thắng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khơi thông nguồn tài chính từ thị trường carbon

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của Quy hoạch Điện 8, nội dung mà nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đang rất quan tâm. Theo đại diện WB, đây chính là kênh đầu tư cho tăng trưởng xanh, không có quy hoạch này chúng ta sẽ không biết mình cần đầu tư những gì, chi phí bao nhiêu cũng như làm thế nào để huy động nguồn tài chính cho những dự án đầu tư đó.

Về cơ chế giá và các hoạt động mua sắm đấu thầu trong các dự án về năng lượng tái tạo, bà Carolyn Turk khuyến nghị đẩy nhanh hoàn thiện khung khổ pháp lý để mua sắm đấu thầu bảo đảm minh bạch và cạnh tranh.

Đối với thị trường carbon, bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam vẫn chưa tiếp cận đầy đủ tiềm năng của thị trường này và WB vui mừng được hỗ trợ Việt Nam nếu cần có những thay đổi gì về mặt pháp lý, cần có những dự án đầu tư nào để có thể khơi thông nguồn tài chính đến từ thị trường carbon tự nguyện, cũng như các hoạt động để có thể giảm thiểu phát thải carbon.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam