Hơn 1 tỷ cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo từ ngày 23/3/2023

19:42 | 21/03/2023 Print
(TBTCO) - Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo đưa 1,088 tỷ cổ phiếu OIL của Tổng công ty cổ phần Dầu Việt Nam - PV OIL (mã Ck: OIL) vào diện cảnh báo từ ngày 23/3/2023, do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm trở lên.

Theo đó, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, OIL bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, tổng công ty đang ghi nhận khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với số tiền là hơn 169 tỷ đồng, số dư phải thu khác này liên quan đến khoản thu hồi lỗ lũy kế đến ngày 18/5/2021 là thời điểm Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC) - công ty con của tổng công ty, chính thức chuyển sang hình thức cổ phần.

Khoản phải thu này phát sinh từ việc xác định phần vốn nhà nước tại PETEC tại ngày 18/5/2021 nhưng đến nay vẫn chưa được tập đoàn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán. Do đó, kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị ghi sổ của khoản phải thu khác nói trên tại ngày 31/12/2022. Do đó, kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.

Hơn 1 tỷ cổ phiếu OIL vào diện cảnh báo từ ngày 23/3/2023
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nguyên giá trị tài sản cố định vô hình tại ngày 31/12/2022 bao gồm giá trị của các lô đất của Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn - PVOIL Sài Gòn (công ty con của tổng công ty), với tổng số tiền là hơn 29 tỷ đồng. Tuy nhiền quyền sử dụng đất chưa được cấp, sang tên và các lô đất có quyền sử dụng đất hết hạn nhưng chưa được gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho PVOIL Sài Gòn. Do đó kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp và không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu này hay không.

Ngoài ra, tại ngày 31/12/2022 giá trị khoản đầu tư của Tổng công ty vào Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (công ty liên kết của tổng công ty) được phản ánh theo phương pháp vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính hợp nhất là hơn 272 tỷ đồng. Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí đã được đề nghị xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định. Do đó kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ thông tin về những thay đổi trong phần vốn góp của tổng công ty vào tài sản thuần của Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí sau ngày mua khoản đầu tư đến ngày 31/12/2022. Do đó kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu hay không.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, OIL ghi nhận doanh thu thuần tăng 80% so với năm 2021 - đạt 104.214 tỷ đồng - vượt khá sâu kế hoạch. Sau trừ các khoản thuế phí, lợi nhuận ròng của OIL đạt 723 tỷ đồng - giảm 6% so với năm trước đó. Dù vậy, tại thời điểm 31/12/2022, công ty vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 185 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/3/2023 cổ phiếu OIL hiện có giá 8.700 đồng/cổ phiếu./.

Theo HNX trong vòng 15 ngày kể từ ngày cổ phiếu bị cảnh báo theo quy định, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam - công ty cổ phần, phải có văn bản gửi HNX giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục.

Tấn Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam