Dự báo tín dụng có thể khai thông sau giai đoạn tăng chậm đầu năm

08:13 | 22/03/2023 Print
(TBTCO) - Tín dụng trong giai đoạn đầu năm tăng chậm, nhưng những diễn biến mới trên thị trường tiền tệ thời gian gần đây có thể sẽ giúp khơi thông dòng tín dụng để tạo động lực cho nền kinh tế trong giai đoạn từ quý II trở đi.

Lãi suất cao, doanh nghiệp ngại vay

Thị trường tiền tệ từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh lãi suất bị đẩy lên cao. Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện 2 lần tăng lãi suất vào tháng 9 và tháng 10, “sự cố” diễn ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng trở thành yếu tố làm gia tăng sức nóng của lãi suất. Trong giai đoạn 2 tháng cuối năm 2022, có thời điểm lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại đã vọt lên trên 11%. Với bối cảnh này, lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên rất cao, thông thường mức chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của các ngân hàng ở mức khoảng 3%.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Với diễn biến này, nhu cầu tín dụng đã có một số dấu hiệu bị chững lại dù vừa trải qua giai đoạn “nóng”, đặc biệt là trong khoảng quý II và quý III/2022. Do đó, NHNN dù sau đó đã có quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) thêm 2% vào tháng 12/2022, nhưng kết quả tăng trưởng tín dụng cả năm cũng chỉ đạt 14,5%. Như vậy, chốt năm 2022, tăng trưởng tín dụng thực tế đã không cần dùng đến hết room được NHNN cấp (bao gồm cả phần nới thêm).

Thực tế, việc các ngân hàng không hết room trong năm 2022 cũng có ý kiến cho rằng NHNN thực hiện nới room quá muộn. Trong một cuộc họp giữa ngân hàng và doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ quý III/2022 thì các doanh nghiệp đã rất khó tiếp cận được vốn vay và khi NHNN nới room vào tháng 12 thì đã quá muộn, doanh nghiệp không còn thời gian để kịp làm được gì.

Tuy nhiên, sang đầu năm 2023, tình hình chững lại của tốc độ tín dụng vẫn không cải thiện, dù thời gian này yếu tố room không còn là lý do để hạn chế vốn cho vay của các ngân hàng. 2 tháng đầu năm 2022, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng khoảng quanh mức 1%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng 2,7% cùng kỳ năm 2022.

Dòng vốn có thể sẽ khơi thông

Mặc dù có một giai đoạn tăng trưởng chậm, nhưng dòng vốn được kỳ vọng có thể sẽ khơi thông trong thời gian tới, đặc biệt sau khi các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất huy động và NHNN cũng đã có các quyết định giảm lãi suất điều hành.

Cụ thể, từ đầu tháng 3/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm từ 0,2% đến 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng với nhóm kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Tiếp đó, đến giữa tháng 3/2023, NHNN cũng đã ban hành các quyết định cắt giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5% xuống 3,5% và giảm 1% lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống 6% và hạ trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực từ 5,5% xuống 5%.

Trước những động thái hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất, nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường tín dụng có thể sẽ được hâm nóng hơn do các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay vốn hơn trước vì đã giải tỏa tâm lý lo ngại gánh nặng tài chính do lãi suất quá cao như trước kia.

Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, động thái này cho thấy những tín hiệu hỗ trợ thanh khoản thị trường tốt hơn từ phía NHNN. Bên cạnh việc điều tiết nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đang chờ được hỗ trợ thanh khoản. Ông Tim Leelahaphan đặt kỳ vọng, NHNN sẽ gia tăng dự trữ ngoại hối khi có cơ hội để củng cố tốt hơn các nền tảng cho thị trường tiền tệ.

Ngoài động thái giảm lãi suất, NHNN cũng cho thấy đang có các hoạt động thúc đẩy tín dụng tới các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có buổi gặp gỡ các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, thông điệp của NHNN đưa ra cho biết, sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời nắm bắt đầy đủ khó khăn, vướng mắc để có giải pháp khắc phục, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới. Trong đó, NHNN cũng có kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, WB…) triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.

Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Một trong những động thái nhằm kết nối dòng vốn thời gian qua là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương; hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, nhiều địa phương thời gian qua đã thực hiện các cuộc tiếp xúc ngân hàng - doanh nghiệp và điều này đặt kỳ vọng có thể "mở van" cho dòng vốn tín dụng trong thời gian tới. Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các ban ngành có liên quan tại địa phương rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; nắm rõ những trường hợp không tiếp cận được vốn vay và nguyên nhân để có giải pháp khắc phục.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam