Cảnh giác các cuộc gọi hướng dẫn chuẩn hóa thuê bao để lừa đảo

09:05 | 22/03/2023 Print
(TBTCO) - Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn nạn sim rác, theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau ngày 31/3, nếu thuê bao có thông tin đăng ký chưa đúng, không chuẩn hóa thông tin theo dữ liệu dân cư quốc gia sẽ bị khóa một chiều. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh nhận được các cuộc gọi hướng dẫn chuẩn hóa thuê bao để lừa đảo.

Mạo danh nhà mạng để lừa đảo chiếm đoạt sim

Theo các nhà mạng và cơ quan công an, nhiều người dân phản ánh do sơ ý đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo tổng đài yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm chiếm đoạt sim.

Chuẩn hóa thuê bao để ngăn chặn nạn sim rác. Ảnh: CTV
Chuẩn hóa thuê bao để ngăn chặn nạn sim rác. Ảnh: CTV

Sau thông tin các nhà mạng sẽ bắt đầu khóa một chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) từ sau 31/3, nhiều chủ thuê bao nhận được cuộc gọi hướng dẫn đề nghị cập nhật thông tin để tránh bị khóa sim.

Tuy nhiên, khi thực hiện các cú pháp và khai báo thông tin theo hướng dẫn của các đối tượng xấu, chủ thuê bao đã bị chiếm đoạt sim. Thủ đoạn của kẻ xấu là thực hiện các cuộc gọi lừa đảo đến nhiều người dân trong cả nước dưới hình thức thông báo thuê bao của người được gọi sắp bị "khóa thuê bao", yêu cầu nâng cấp, bổ sung thông tin cá nhân, từ đó lừa chiếm đoạt sim điện thoại di động của người được gọi, rồi chiếm tài khoản ngân hàng, ví điện tử của họ để chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục Viễn thông, việc chuẩn hóa thuê bao mang lại nhiều lợi ích nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn nạn sim rác.

Cục Viễn thông lý giải, trên thực tế, việc sử dụng thuê bao không chính chủ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ lụy cho người dùng. Theo đó, hiện nay số điện thoại gắn liền với rất nhiều tài khoản khác chứa thông tin cá nhân quan trọng như tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội... Nếu số điện thoại có thông tin không chính xác có thể dẫn đến nguy cơ bị mất các tài khoản này.

Bên cạnh đó, sử dụng thuê bao không chính chủ còn gây khó khăn trong việc làm tài khoản cấp mã định danh công dân, cấp hộ chiếu, thị thực nếu thông tin thuê bao không trùng khớp với CSDLQG về dân cư. Ngoài ra, đáng nói nhất là sim không chính chủ, sim rác là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cuộc gọi lạ, làm phiền người dùng và đặc biệt là lừa đảo,…

Từ đó cho thấy việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là hết sức cần thiết, giúp người dùng khẳng định chính chủ rõ ràng với số điện thoại của mình, đồng thời hạn chế tối đa bị lừa đảo, quấy rối, xúc phạm... bởi số điện thoại lạ.

Nâng cao cảnh giác để bảo mật thông tin

Trước thực tế nạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt sim và thông tin cá nhân với mục đích chiếm đoạt tài sản gia tăng, các nhà mạng viễn thông lớn và cơ quan chức năng, công an đã đưa ra cảnh báo đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân.

Điển hình như, VinaPhone đã phát đi thông báo trước tình trạng xuất hiện nhiều trường hợp người dân nhận được cuộc gọi thông báo từ các số điện thoại lạ mạo danh cơ quan quản lý nhà nước hoặc các nhà mạng.

Theo đó, VinaPhone khẳng định chỉ thực hiện thông báo đến các khách hàng nằm trong diện cần phải kiểm tra, chuẩn hóa thông tin thuê bao thông qua các kênh chính thức sau: Tin nhắn gửi từ tên định danh “VinaPhone”; cuộc gọi tự động hiển thị tên định danh “VinaPhone” và/hoặc từ các số điện thoại 0888-00-1091, 0911-00-1091. Khách hàng có thể đến các điểm giao dịch VinaPhone gần nhất (mang theo CMND/CCCD/hộ chiếu) để chuẩn hóa thuê bao.

Đặc biệt, VinaPhone sẽ không đột ngột khóa thuê bao của bất kỳ khách hàng nào ngay sau khi thông báo mà sẽ thực hiện theo đúng trình tự quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.

VinaPhone sẽ nhắn tin thông báo liên tục cho các khách hàng nằm trong diện cần phải chuẩn hóa thông tin, mỗi ngày ít nhất 1 lần, trong 5 ngày liên tiếp. Các thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ chỉ bị gián đoạn liên lạc 1 chiều sau ngày 31/3/2023.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cũng khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác đề phòng nếu nhận được các tin nhắn giả danh thương hiệu của các nhà mạng (Brandname). Bởi các đối tượng thường gửi tin nhắn giả danh các nhà mạng để lừa đảo người dân thiếu cảnh giác, kèm theo đường link yêu cầu họ cập nhật thông tin chủ thuê bao điện thoại.

Cách thức kiểm tra thuê bao chính chủ

Người dân cần kiểm tra lại thông tin thuê bao điện thoại và cập nhật thông tin theo quy định bằng các cách như: Kiểm tra thông tin chủ thuê bao theo cú pháp tin nhắn "TTTB gửi 1414"; tra cứu thông tin, cập nhật thông tin thuê bao trên các ứng dụng của nhà mạng (MyViettel, MyVNPT, My Mobifone...); gọi điện trực tiếp tới nhà mạng hoặc đến điểm giao dịch của nhà mạng để cập nhật thông tin thuê bao.

Nguyễn Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam