Cần nhiều giải pháp để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam

21:21 | 22/03/2023 Print
(TBTCO) - Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 19 triệu lượt khách. Tuy nhiên, đây lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch.

Cạnh tranh lớn từ các thị trường lân cận

Làm cách nào để thu hút khách quốc tế, cũng như để khách quay trở lại là nội dung được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế", do Báo Đầu tư tổ chức ngày 22/3.

Ngành du lịch sau 1 năm mở cửa đã có sự khởi sắc, đặc biệt ở thị trường nội địa. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng khách nội địa năm 2022 đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68% so với kế hoạch và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,6 triệu lượt khách, đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra.

Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 19 triệu lượt khách. Tuy nhiên lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch. Bởi lẽ, một số thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc vẫn chưa thể sôi động, sự cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực với nhiều cách làm sáng tạo cũng là một khó khăn để Việt Nam phải trở thành một lựa chọn tốt hơn hơn cho du khách quốc tế.

Khách quốc tế mang lại nguồn doanh thu lớn

Việc thu hút khách quốc tế đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương. Minh chứng tại Việt Nam, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro - Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, hiện nay nước ta có một số vấn đề ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến. Cụ thể, nhận thức của công chúng và truyền thông về Việt Nam còn chưa mạnh mẽ; thủ tục hành chính rườm rà; số nước được miễn thị thực giảm; khoảng cách từ các thị trường trọng điểm còn xa, nỗ lực quảng bá chưa tương xứng và tỷ lệ khách quay lại du lịch khá thấp; cuối cùng là rào cản ngôn ngữ.

Chuyên gia này đánh giá Việt Nam sẽ ngày càng thu hút những du khách tìm kiếm các điểm đến bền vững và sẽ cung cấp các sản phẩm du lịch tích hợp, bao gồm các điểm đến truyền thống có nắng, biển và cát như Phú Quốc, các điểm đến di sản văn hóa như Hội An và các trung tâm đô thị thú vị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Cần nhiều giải pháp để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam
Quang cảnh tọa đàm

“Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các thị trường du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia, những thị trường đã nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 và đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh và thị thực ít nghiêm ngặt hơn” - tiến sỹ Ribeiro nói.

Theo ông Nuno F. Ribeiro để thu hút khách du lịch bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường, tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải. Trình độ nhân lực nên đầu tư mạnh vào đào tạo và nâng cao ở các bậc trung học, đại học và sau đại học. Quan trọng nhất, Việt Nam cần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của và hạn chế sử dụng tài nguyên dựa trên các chính sách phát triển bền vững.

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh quảng bá

Bàn thêm về giải pháp có thể giúp Việt Nam đón được lượng khách quốc tế như kỳ vọng, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Lux Group chia sẻ, Việt Nam muốn cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore… hãy thực hiện chính sách visa thân thiện, cho phép lưu trú lên từ 30 ngày, cho phép du khách nhập cảnh nhiều lần, mở rộng miễn visa cho một số thị trường.

Còn theo ông Martin Koerner - Trưởng Tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, một thách thức khác đối với khách du lịch là thời gian chờ đợi lâu tại các điểm kiểm tra xuất, nhập cảnh ở các sân bay quốc tế. “Việt Nam nên cải thiện các dịch vụ sân bay để du khách có ấn tượng tốt đẹp hơn khi đặt chân đến sân bay tham gia các chương trình trải nghiệm” - ông Martin Koerner bày tỏ.

Cần nhiều giải pháp để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam
Cần nhiều giải pháp để khách quốc tế quay trở lại Việt Nam. Ảnh: T.L

Theo Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính, điều đáng tiếc là Việt Nam chỉ đón được lượng khách quốc tế bằng một nửa so với Thái Lan trước đại dịch dù sở hữu nhiều lợi thế. Ông Chính cho rằng, Việt Nam không chỉ cần chú trọng đặc biệt tới việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, bao gồm thị thực điện tử và miễn thị thực như các chuyên gia quốc tế đã nêu, hay tạo điều kiện thuận lợi để mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam mà còn cần sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, máy đọc hộ chiếu để tạo thuận tiện cho công tác quản lý xuất, nhập cảnh.

Theo Bà Nareekarn Srichainak - Bí thư thứ Nhất, Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, ngành du lịch Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên. Chính vì vậy, Việt Nam có thể học hỏi bài học kinh nghiệm thu hút thành công khách quốc tế của Thái Lan để áp dụng cho ngành du lịch nước nhà.

Bà Nareekarn Srichainak chia sẻ về kinh nghiệp thu hút khách quốc tế ở Thái Lan: “Đầu tiên, chúng tôi xây dựng một môi trường chính sách kiến tạo, thiết lập trung tâm phản ứng y tế, phân cấp phân quyền địa phương nhằm ứng phó các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. Tiếp theo là nâng cấp dịch vụ trong nước trong thời gian chờ khách du lịch nước ngoài quay lại. Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế liên ngành để đảm bảo y tế và nâng cao nhận thức của người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng hợp tác mật thiết với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải nhằm tìm kiếm mô hình phù hợp có mức độ ảnh hưởng tiêu cực thấp nhất với các địa phương. Thời gian tới du lịch Việt Nam phối hợp với ngành hàng không xây dựng các video clip giới thiệu con người, cảnh đẹp Việt Nam, trình chiếu trên các chuyên bay, sân bay đón khách quốc tế. Đấy là mô hình mà ngành du lịch Thái Lan đã thu được kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam nên học tập ”./.

Theo Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phát hành ngày tháng 5/2022, du lịch Việt Nam xếp hạng thứ 52 trên 117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, sau Indonesia (tăng 12 bậc) và Ả-rập Xê út (tăng 10 bậc). Tuy nhiên, sự sụt giảm lượng khách quốc tế đến khi trở lại đường đua du lịch sau đại dịch lại là một thực tế buồn mà ngành du lịch đang phải đối mặt.

Tấn Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam