Tái định vị doanh nghiệp để phục hồi và phát triển bền vững

21:33 | 23/03/2023 Print
(TBTCO) - Sau dịch Covid-19 kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những cơ hội nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.

Đây là phát biểu của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”, diễn ra chiều ngày 23/3 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sáng tạo vượt qua thách thức

Theo ông Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Năm 2022 bình quân mỗi tháng có khoảng 12 nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường thì hiện nay bình quân 2 tháng đầu năm số doanh nghiệp rời thị trường lên tới 25.700 doanh nghiệp.

Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững
Ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Anh

"Sự tồn tại của doanh nghiệp đang là câu chuyện lớn. Doanh nghiệp cần định vị lại các giá trị cốt lõi như năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ, cung cách quản trị của đơn vị mình về vượt qua thách thức hiện nay" - ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Ông Phạm Tấn Công khẳng định VCCI sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn của năm 2023 và tiếp tục phục hồi phát triển. Thêm vào đó, VCCI cũng tiếp tục đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp.

Để nắm bắt các cơ hội, tạo ra sức bật trong tương lai trong bối cảnh nền kinh tế còn những "gam màu xám", theo các chuyên gia, việc tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là vấn đề mấu chốt.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, tái định vị doanh nghiệp phải gắn liền với tư duy mới, trong đó phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Các giá trị phát triển bền vững của doanh nghiệp cần được định hình và xây dựng dựa trên đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh” - ông Phạm Tấn Công nói.

Đồng thuận với quan điểm tái định vị doanh nghiệp để phát triển, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp - cũng nhấn mạnh, nền kinh tế của Việt Nam muốn ổn định và phát triển phải dựa vào tình hình kinh tế thế giới và đánh giá được thực chất "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong nước.

"Cần xem xét, tái định vị xem trong nước thực chất doanh nghiệp đang như thế nào, có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký để sản xuất, kinh doanh và có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký vì mục tiêu khác, từ đó các bộ, ngành, cơ quan chuyên trách có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển" - ông Long nói.

Doanh nghiệp cần chủ động vượt qua thách thức, tự cứu mình

Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia đã thảo luận, đánh giá các nhân tố chủ yếu tác động đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các tham luận cũng chỉ ra những cơ hội cần được tranh thủ để doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn lực hỗ trợ phát triển.

Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm tái cơ cấu hoạt động để vượt qua khó khăn. Ảnh: Nguyễn Vân

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, từ giữa năm 2022 bất động sản đóng băng và tiếp tục khủng hoảng sang năm 2023 vì nhiều lý do (lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng thị trường trái phiếu…). Các chủ đầu tư bất động sản không bán được hàng, không có tiền để thanh toán khiến cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều nhà thầu đối mặt với nguy cơ phá sản, kể cả các nhà thầu lớn, không làm thì không có việc nhưng làm thì rủi ro tài chính rất lớn…

Trước thực trạng đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cho rằng để tái định vị giúp doanh nghiệp phát triển bền vững - khâu đầu tiên cũng là khâu then chốt là xây dựng hệ thống khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà thầu xây dựng trong quan hệ kinh tế với các chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng cần đánh giá lại kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2023 trong bối cảnh bất động sản, tín dụng khó khăn như hiện nay. Lấy đơn cử Tổng công ty Vinaconex - doanh nghiệp tham gia ở cả lĩnh vực đầu tư hoạt động tài chính và thi công xây lắp, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện nay, tổng công ty tập trung vào mục tiêu xây lắp, trong đó chủ yếu tập trung vào các dự án đầu tư công trọng điểm. Vì vậy, năm nay khả năng doanh thu của Vinaconex vẫn có thể đạt tới 18.000 tỷ đồng đảm bảo đủ công ăn việc làm cho đơn vị.

Tại hội nghị, ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, nhận định thế giới đang chứng kiến rất nhiều thay đổi khó đoán định. Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tiếp cận chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường quốc tế là đan xen nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro từ những xung đột chính trị, chiến tranh thương mại với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng công nghệ, dịch chuyển chuỗi cung ứng từ quốc gia này sang quốc gia khác hoàn toàn là xu hướng khách quan đã và đang diễn ra trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các chuẩn mực về đạo đức, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường đồng thời tạo ra hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.

Ở góc độ chuyên gia tài chính, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế PwC Việt Nam cho rằng, để vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay, các doanh nghiệp cần nhìn lại những ưu tiên chiến lược, xác định các điểm khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên làm việc trong phương pháp vận hành mới để doanh nghiệp có thể chủ động vượt qua thách thức để phát triển.

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam