Tiếp tục siết chặt kiểm soát đường hàng không

09:45 | 24/03/2023 Print
(TBTCO) - Buôn lậu hàng hóa, đặc biệt là các chất ma túy qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng, thách thức cơ quan chức năng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực tế đáng báo động này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã ký Quyết định số 15 thành lập tổ công tác liên ngành (gồm hải quan, công an, quản lý thị trường...), nhằm tăng cường chống buôn lậu qua đường hàng không.

Liên tục "nóng"

Nạn buôn lậu hàng cấm, ma túy qua đường hàng không ngày càng tinh vi và khó lường. Theo cảnh báo của Tổng cục Hải quan, tình trạng buôn lậu qua đường hàng không liên tục "nóng" trong nhiều năm qua. Tuyến đường hàng không qua cửa khẩu sân bay trở thành một trong những tuyến trọng điểm mà các đối tượng tội phạm lợi dụng để vận chuyển trái phép hàng hóa, các chất ma túy, tiền chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam với nhiều thủ đoạn phức tạp, khó lường. Bởi đây là tuyến vận chuyển nhanh nhất, thuận tiện và ngụy trang với nhiều hình thức để vận chuyển ma túy.

Ngoài ma túy, các loại hàng hóa có giá trị cao cũng là "miếng mồi béo bở" để các đối tượng buôn lậu. Ngay tại thời điểm tâm dịch Covid-19, năm 2021, qua kiểm tra chuyến bay "giải cứu" từ Nga về sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), lực lượng Hải quan Khánh Hòa phát hiện 724 chai rượu ngoại, 424 hộp thuốc lá với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng.

Kể từ giữa năm 2022 đến nay, khi dịch Covid-19 đã được khống chế, hoạt động thông thương quốc tế qua tuyến hàng không mở cửa trở lại, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, các chất ma túy lại gia tăng hoạt động.

Nguồn: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Đồ họa: Thế Dương

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, tại các sân bay quốc tế lớn như Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát, vận chuyển quốc tế bằng đường hàng không qua cửa khẩu sân bay, hoặc bưu điện trở thành một trong những tuyến trọng điểm vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Thủ đoạn cất giấu của chúng thường ngụy trang trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm...

Trước đó, ngày 10/10/2022, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện 4 kiện hành lý không có thẻ, chứa 463 chiếc điện thoại di động. Giữa tháng 11/2022, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện gần 26 kg ma túy được giấu trong các kiện hàng từ Đức, Mỹ về Việt Nam qua đường hàng không. Đây là lần đầu tiên Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện ma túy đá và ma túy tổng hợp được vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam với số lượng lớn.

Tại Hà Nội, vào cuối năm 2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tổ chức kiểm tra, phát hiện 3 vận đơn gồm 8 kiện hàng, trọng lượng hơn 205kg, được gửi từ Đức về Việt Nam. Trong các kiện hàng cất giấu 98 kg ma túy tổng hợp (gồm 45kg MDMA, 53kg ketamine và 2.000 gói "nước vui"). Công an TP. Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội và Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến vụ việc.

Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, không chỉ buôn lậu ma túy qua đường hàng không, trong năm 2022, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hải quan sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, đuôi voi, móng vuốt động vật quý hiếm, sừng tê giác... do hành khách mang về từ các nước châu Phi với trị giá hàng chục tỷ đồng.

Lập tổ công tác liên ngành

Qua các vụ vận chuyển ma túy qua đường hàng không được phát hiện cho thấy, hầu hết các vụ đều thực hiện tinh vi với số lượng rất lớn, loại ma túy có trị giá cao hàng chục tỷ đồng và đã hình thành các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Đối diện với thực tế đáng báo động nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa ký Quyết định số 15/QĐ-BCĐ 389 về việc thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 (ngày 22/11/2022) của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Hải quan chủ trì phối hợp triệt phá 31 vụ án ma túy

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, triệt phá 31 vụ, bắt 38 đối tượng buôn lậu ma túy với số lượng lớn, thủ đoạn tinh vi; trong đó có một số vụ buôn lậu ma túy qua đường hàng không có tính chất đường dây xuyên quốc gia.

Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, lực lượng hải quan tiếp tục chủ động triển khai các chuyên án để ngăn chặn, triệt phá các vụ vận chuyển trái phép ma túy qua các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không.

Việc quyết định thành lập tổ công tác cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với công tác chống buôn lậu, đặc biệt là tính cấp bách nâng cao hiệu quả chống buôn lậu qua đường hàng không hiện nay thông qua việc huy động sức mạnh tổng hợp của lực lượng liên ngành. Chính vì vậy, quyền hạn của tổ công tác được coi trọng. Tổ công tác được kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Đặc biệt, tổ cũng có quyền điều phối các đơn vị, lực lượng phối hợp xử lý vụ việc, tình huống đột xuất, phức tạp về buôn lậu hàng hóa qua đường hàng không.

Về việc thực hiện Kế hoạch số 111/KH-BCĐ, theo Tổng cục Hải quan, ngay từ đầu năm 2023, lực lượng hải quan tập trung kiểm soát, ngăn chặn vi phạm trên tuyến hàng không khi mà lưu lượng hành khách xuất, nhập cảnh gia tăng trở lại sau dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều rủi ro về vi phạm an ninh xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Nhờ đó, cơ quan hải quan đã chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều vụ buôn lậu ma túy trên tuyến đường hàng không.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, lực lượng kiểm soát hải quan sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường công tác soi chiếu, phân tích hình ảnh; sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra, kiểm soát tập trung trọng tâm vào các loại mặt hàng trọng điểm như: vũ khí, ma túy, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, hàng cấm, rượu, tiền tệ, vàng, thuốc lá, các mặt hàng tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hóa khác có trị giá cao…

* Ông Nguyễn Văn Ổn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan):

Triển khai kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu trong toàn ngành

Tiếp tục siết chặt kiểm soát đường hàng không
Ông Nguyễn Văn Ổn

Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu triển khai trong toàn ngành năm 2023.

Trong thời gian tới, lực lượng chống buôn lậu hải quan tiếp tục chủ động triển khai các kế hoạch đấu tranh vi phạm trên tuyến hàng không, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế, đặc biệt là các cảng hàng không lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Đồng thời, cơ quan hải quan tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế đối với các cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng hóa miễn thuế; hành lý ký gửi, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh qua các cảng hàng không quốc tế, nhất là các tuyến bay đến từ Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Nhật, Hàn Quốc, Doha, Quata, Nga, Pháp, Đức, Anh, Mỹ…

Với các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan phải là đơn vị chủ trì, chủ động, ngoài địa bàn sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) để đấu tranh, xử lý.

* Ông Nguyễn Trường Giang - Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội:

Phối hợp liên ngành trong chống buôn lậu ma túy

Tiếp tục siết chặt kiểm soát đường hàng không
Ông Nguyễn Trường Giang

Để thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, năm 2023, đơn vị bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, kế hoạch kiểm soát của Tổng cục Hải quan để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc thù địa bàn. Trong đó, các nội dung kế hoạch, phương án thực hiện phải áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan; triển khai tốt công tác thu thập, xử lý thông tin; chủ động nâng cao công tác điều tra; tiếp tục đấu tranh trọng tâm, trọng điểm chuyên đề, chuyên án. Đặc biệt, đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng liên ngành, chủ chốt là cơ quan công an trong việc phát hiện, triệt phá các vụ việc liên quan đến ma túy.

Điển hình cho chiến công hiệu quả trong phối hợp liên ngành là ngày 12/1/2023, Cục Hải quan Hà Nội phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP. Hà Nội), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Bắc Ninh) phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng với hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy (từ Hà Lan về Việt Nam), thu giữ 6.790 gam ketamine và 51,788 kg ma túy tổng hợp MDMA.

* Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh:

Cơ quan hải quan có đủ thông tin, công cụ để phát hiện ma túy

Tiếp tục siết chặt kiểm soát đường hàng không
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nên cơ quan hải quan trong quá trình tạo thuận lợi cũng tập trung với quyết tâm phải quản lý thật chặt chẽ. Qua một số vụ việc vận chuyển ma túy bị công chức Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện gần đây, chúng tôi muốn cảnh báo đến các đối tượng, đừng vì lợi nhuận, đừng vì lòng tham mà mang vác những chất cấm.

Cơ quan hải quan dù tạo thuận lợi cho hành khách xuất nhập cảnh, nhưng cũng có những biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra và xác định trọng điểm để tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống ma túy. Cơ quan hải quan có đầy đủ thông tin, lực lượng, công cụ để có thể kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt hàng hóa thông quan. Tất cả hành lý của hành khách khi làm thủ tục thông quan đều được cơ quan hải quan kiểm tra bằng máy soi, thậm chí máy soi ngầm.

Trịnh Hải

© Thời báo Tài chính Việt Nam