Cần tạo thuận lợi cho các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh

08:53 | 24/03/2023 Print
(TBTCO) - Các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ (khách sạn 1 - 3 sao) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn khách, nguồn lực nhân sự, mức độ ứng dụng chuyển đổi số của khách sạn nhỏ và vừa còn hạn chế nên tính cạnh tranh không cao. Thực trạng trên đang rất cần sự chung tay hỗ trợ của các ngành các cấp.
Cần tạo thuận lợi cho các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh
Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”. Ảnh: Sơn Nam

Đó là thông tin được nêu ra tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (TPHCM)”, diễn ra chiều 23/3.

Theo Sở Du lịch TPHCM, một trong những lợi thế so sánh của ngành du lịch thành phố so với các tỉnh, thành phố khác là hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch rộng khắp với hơn 3.227 cơ sở lưu trú các loại, tương ứng với hơn 65 nghìn phòng đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao, tương ứng với 17.613 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn; 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ, tương ứng với hơn 48.000 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn.

Hiện nay đối với hệ thống khách sạn từ 4-5 sao trên địa bàn, trong năm 2022 công suất bán buồng/phòng bình quân đạt từ 75% trở lên, ổn định về tình hình kinh doanh và doanh thu của cả năm 2022.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hệ thống khách sạn tập trung ở đối tượng các cơ sở lưu trú đạt điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch và các khách sạn 1 - 3 sao trên địa bàn thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: vấn đề về nguồn khách, nguồn lực nhân sự, mức độ ứng dụng chuyển đổi số của khách sạn nhỏ và vừa còn hạn chế nên tính cạnh tranh không cao…

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, hệ thống khách sạn quy mô vừa và nhỏ hạn chế về nguồn khách quốc tế nên chưa kịp phục hồi. Nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và không có xu hướng trở lại. Cơ sở vật chất đang xuống cấp cần duy tu, đặc biệt khách sạn chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh xuất hiện khách sạn đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.

Đề cập đến những khó khăn trong một năm vừa qua, các đại biểu đều cho rằng, Nhà nước cần có chính sách giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Hiện nay, giá bán điện ở khung kinh doanh dịch vụ là cao nhất trong các khung giá. Bên cạnh đó, kiến nghị giảm giá nước sinh hoạt và chi phí internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Các cơ sở lưu trú du lịch có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trong khi lãi suất ngân hàng tăng và ngân hàng siết cho vay… dẫn đến thiếu ngân sách đầu tư sửa chữa, thay mới. Phía ngân hàng cần nới lỏng, tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú tiếp cận vốn vay để tái đầu tư./.

Hiện nay có nhiều cơ sở lưu trú du lịch gặp những khó khăn nhất định về thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy (do cơ sở xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chí về điều kiện phòng cháy, nhất là các cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ xây dựng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực).

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam