Thúc tiến độ các dự án hàng hải, đường thủy “chia lửa” cho đường bộ

11:00 | 24/03/2023 Print
(TBTCO) - Hiện tại, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc đường bộ thì Bộ Giao thông vận tải cũng đặc biệt quan tâm thúc tiến độ, tăng đầu tư mới các dự án hàng hải, đường thủy để phát huy triệt để tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta, cũng như chia sẻ gánh nặng cho vận tải đường bộ, giữ gìn kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông…

Hơn 2.155 tỷ đồng nâng tĩnh không cầu đường bộ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới phê duyệt đầu tư dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.155 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN), dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2025. Ban Quản lý các dự án đường thủy được giao làm chủ đầu tư.

Dự án đầu tư công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2. Ảnh: AN HẢI
Dự án đầu tư công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2. Ảnh: An Hải

Theo đó, sẽ xây mới 9 cầu gồm: Cầu Ô Môn, cầu Thới Lai qua rạch Ô Môn; cầu Đông Thuận, cầu Đông Bình qua kênh Thị Đội - Ô Môn; cầu Vàm Xáng - Thị Đội qua kênh Thốt Nốt; cầu Sa Đéc (Nàng Hai) qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc; cầu Mộc Hóa qua sông Vàm Cỏ Tây; cầu Hồng Ngự qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; cầu Mỏ Cày qua kênh Mỏ Cày và hai tuyến đường dẫn kết nối với tuyến tránh QL60 (phía Bắc), kết nối với QL60 (phía Nam) đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện, phù hợp với hiện trạng khu vực xây dựng cầu và quy hoạch của địa phương.

Cùng với đó cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu Giồng Găng qua kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; tháo dỡ, thanh thải cầu Măng Thít cũ qua sông Măng Thít. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Trong đó, cầu qua kênh cấp III đường thủy nội địa có tĩnh không 6m, riêng cầu Sa Đéc tĩnh không đứng 7m để đồng bộ với các cầu xây mới trên tuyến; cầu qua kênh cấp IV đường thủy nội địa tĩnh không 6m.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy chỉ đạo tư vấn chuẩn xác các số liệu tính toán và lựa chọn giải pháp thiết kế tối ưu: tính toán thủy văn, khả năng thoát lũ; xác định cụ thể phạm vi đường gom, đường công vụ; giải pháp xử lý nền đường; chiều dày các lớp kết cấu áo đường; giải pháp móng: mố trụ cầu, tường chắn, trụ chống va; giải pháp kết cấu, sơ đồ nhịp..., mục tiêu là đảm bảo kinh tế - kỹ thuật, ổn định và bền vững công trình. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng và các đơn vị có liên quan để kiểm tra, rà soát, đảm bảo khối lượng giải phóng mặt bằng phù hợp với hồ sơ thiết kế được phê duyệt, đảm bảo chặt chẽ về thủ tục, tuân thủ quy định. Quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ và chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, không để thất thoát, lãng phí.

Hoàn thành dự án luồng sông Hậu trong năm 2023

Một dự án hàng hải trọng điểm nữa là động lực lớn để góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng là dự án đầu tư công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu - giai đoạn 2. Dự án này đã thi công các hạng mục gồm công trình bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố, với tổng chiều dài trên 18km và xây dựng 1 tuyến đường bộ dọc theo bờ Nam kênh Tắt, chiều dài gần 5 km. Dự án khởi công vào tháng 12/2021 với kinh phí khoảng 2.596 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2023.

Ông Trần An Hải - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải, Bộ GTVT cho biết, đối với công tác giải phóng mặt bằng, hiện tại địa phương đã bàn giao đảm bảo cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, hai bên kè hiện còn vướng 26 hộ dân và 7 hồ nuôi tôm công nghiệp. Trong đó có 10 hộ nhận tiền, 16 hộ còn đang khiếu nại, dự kiến ngày 31/3 địa phương sẽ giải quyết dứt điểm.

Hiện tại, các nhà thầu tranh thủ thời gian, huy động thiết bị, máy móc nhân lực tăng cường các mũi thi công, tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Đến nay các nhà thầu đã triển khai thi công đạt hơn 37% giá trị hợp đồng. Trong đó gói thầu số 1 thi công xây dựng đường ven kênh Tắt và hạng mục cầu kênh Xáng đạt hơn 67%; gói số 2 thi công xây dựng kè bảo vệ bờ Bắc, khu tránh tàu, nhà trạm quản lý luồng đạt hơn 40%; gói 3 thi công xây dựng bờ Nam đạt hơn 30% so với hợp đồng.

Đối với đường bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang yêu cầu Ban Quản lý dự án Hàng hải phải kiểm soát chặt tiến độ thi công của các nhà thầu, không chấp thuận xin gia hạn. Các nhà thầu phải tăng tốc thi công đảm bảo tiến độ theo như hợp đồng đã ký kết, dứt khoát, dự án phải hoàn thành trong năm 2023.

“Tôi rất chia sẻ với Ban quản lý, với nhà thầu, khối lượng công việc nhiều, tiến độ rất gấp nhưng chúng ta phải nỗ lực để hoàn thành dự án theo đúng cam kết” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Rà soát toàn bộ kế hoạch thi công

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang, Ban Quản lý dự án hàng hải cần rà soát lại toàn bộ kế hoạch thi công phần kè hai bên bờ kênh Quan Chánh Bố, xử lý triệt để các vấn đề phát sinh, vướng mắc. Đối với các vị trí còn vướng về mặt bằng, chủ đầu tư cần có văn bản gửi UBND tỉnh Trà Vinh đẩy nhanh tiến độ như cam kết. Trường hợp ngày 31/3 vẫn chưa hoàn thành, Ban Quản lý dự án hàng hải phải có báo cáo về Cục Quản lý đầu tư xây dựng. Từ đó, Cục có văn bản tham mưu Bộ GTVT phương án xử lý.

Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam