TP. Hồ Chí Minh: Liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc để phát triển du lịch

16:22 | 24/03/2023 Print
(TBTCO) - TP. Hồ Chí Minh sẽ cùng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo, Tổ thường trực, Tổ giúp việc phát triển du lịch, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch.

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023.

Theo kế hoạch này, TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang) sẽ kiện toàn thành viên Ban chỉ đạo, Tổ thường trực, Tổ giúp việc phát triển du lịch, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương liên kết.

Chính quyền TP. Hồ Chí Minh chủ động liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc để phát triển du lịch. Ảnh TTXVN
Chính quyền TP. Hồ Chí Minh chủ động liên kết với 8 tỉnh Tây Bắc để phát triển du lịch. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, các đối tác cung cấp trao đổi thông tin về du lịch, định kỳ chia sẻ báo cáo tình hình phát triển du lịch địa phương theo quý và báo cáo tổng kết năm; họp tổ thường trực, tổ giúp việc đánh giá sơ kết kết quả hoạt động hợp tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; phối hợp chuẩn bị các nội dung, điều kiện để phục vụ hội nghị tổng kết năm 2023; thống nhất nội dung kế hoạch hợp tác năm 2024…

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh này cũng hợp tác phát triển sản phẩm du lịch như khảo sát, xây dựng sản phẩm kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia; khảo sát và xây dựng, phát triển tour du lịch “Hùng vĩ Tây Bắc”; liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch.

Các bên cũng phối hợp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch và xúc tiến kêu gọi đầu tư du lịch…

Từ kế hoạch này, các bên sẽ hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò liên kết trong kết nối du lịch, văn hóa và thương mại; liên kết để cùng nhau khai thác những lợi thế cạnh tranh của các địa phương; đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong và ngoài nước.

Theo đánh giá, việc triển khai kế hoạch sẽ thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động du lịch một cách an toàn, phát triển ổn định; tăng cường quảng bá, đổi mới về hình thức, nâng cao hiệu quả thông qua tổ chức sự kiện chung gắn kết, lồng ghép với các chuỗi sự kiện của các địa phương.

Kế hoạch cũng sẽ kích cầu du lịch nội địa đến với các địa phương liên kết, góp phần đưa hoạt động du lịch phát triển ổn định và tăng tốc trong giai đoạn phục hồi; tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức, đơn vị, sự quan tâm của báo chí, doanh nghiệp du lịch trong hoạt động truyền thông quảng bá có hiệu quả sản phẩm du lịch TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Bắc.

Theo kế hoạch, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh sẽ chủ động tham mưu đề xuất tham gia các sự kiện: Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu; Lễ hội Hoa Ban năm 2023 tại thành phố Điện Biên; Lễ hội Văn hoá ẩm thực và Du lịch Hà Giang năm 2023; Tuần Văn hóa - Du lịch Đất tổ năm 2023 tại tỉnh Phú Thọ; Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2023; Sự kiện “120 năm Du lịch Sa Pa - 120 years Sa Pa Tourism”; Lễ hội Đất Mường năm 2023 tại tỉnh Hòa Bình.

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam