Thị trường tiền tệ tuần 20/3 – 24/3:

FED tăng lãi suất nhưng lãi suất liên ngân hàng trong nước giảm sâu

17:01 | 24/03/2023 Print
(TBTCO) - Động thái đáng chú ý trên thị trường tiền tệ tuần qua là việc FED tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, mức độ tăng chỉ ở mức 0,25 điểm phần trăm cho thấy, FED đang phải cân nhắc trước nhiều bài toán vừa kiềm chế lạm phát vừa ổn định thanh khoản hệ thống. Trong khi đó, diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong nước giảm sâu cho thấy sự ảnh hưởng của các hành động từ FED đã không còn quá lớn với thị trường trong nước.

Tâm điểm từ việc FED tăng lãi suất

Hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sau cuộc họp kéo dài 2 ngày đã được giới tài chính quốc tế đợi chờ từ khá lâu và trước khi cuộc họp này diễn ra đã có nhiều phán đoán cho các kịch bản khác nhau.

Quyết định cuối cùng của FED là đã tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang lên mức 4,75 - 5%. Đây là mức tăng có tính chất ôn hòa giữa 2 thái cực có thể xảy ra, bởi trước đó đã từng có phán đoán FED thậm chí có thể sẽ tăng lãi suất tới 0,5 điểm phần trăm, do tình hình lạm phát còn phức tạp. Tuy nhiên, sự cố phá sản các ngân hàng Mỹ diễn ra cũng dẫn đến những dự đoán mới xuất hiện cho rằng, FED có thể phải tạm dừng việc tăng lãi suất để tập trung ưu tiên cho xử lý khủng hoảng.

Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm vẫn là kịch bản được nhận định là trung dung nhất và vô tình kịch bản này khá giống với những dự đoán từ cuối năm 2022, khi các chuyên gia thời điểm đó cho rằng, lãi suất sẽ đạt đỉnh ở 5,1%.

FED tăng lãi suất nhưng lãi suất liên ngân hàng trong nước giảm sâu
Động thái tăng lãi suất của FED thực hiện ở mức trung lập và nằm trong dự đoán. Ảnh: T.L
Những điều cần biết trước quyết định lãi suất của FED Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và tín hiệu tích cực kép

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu

Tại thị trường tiền tệ trong nước, diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang đi vào chuỗi ngày giảm sâu. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống chỉ còn 1,55%. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng đã giảm xuống mức rất thấp, với kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 1,98%; kỳ hạn 2 tuần còn 2,26%; kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 4,44%...

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thời điểm này đã giảm rất sâu so với giai đoạn tăng nóng thời điểm đầu tháng 3 và cũng đã xuyên thủng mặt bằng lãi suất thấp diễn ra giai đoạn giữa tháng 2.

Trước đó hồi đầu tháng 3/2023, lãi suất cho vay qua đêm ghi nhận có lúc đến đã đạt mốc tới 6,4%; các kỳ hạn khác cũng leo lên mặt bằng khá cao với 1 tuần là 6,54%, 2 tuần là 6,65%, 1 tháng là 7,76%...

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu như hiện nay cũng được coi là một tín hiệu cho thấy, tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước đang khá tốt. Điều này một mặt tạo sự yên tâm hơn đối với người gửi tiền Việt Nam trước các biến cố của ngành ngân hàng trên thế giới, thời gian gần đây. Một mặt khác, tín hiệu này cũng là một thông điệp cho thấy lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ có điều kiện giảm thêm, giúp doanh nghiệp giảm nhẹ hơn nữa gánh nặng chi phí tài chính trong thời gian tới.

FED tăng lãi suất nhưng lãi suất liên ngân hàng trong nước giảm sâu
Thị trường tiền tệ thế giới gần đây có nhiều biến cố, nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước vẫn khá tốt. Ảnh: T.L

Tỷ giá vẫn giữ đà đi xuống

Tuần qua, diễn biến tỷ giá cho thấy diễn biến ổn định, có chiều hướng giảm nhẹ. Cụ thể, tỷ giá trung tâm giữ ổn định trong các ngày đầu tuần và sau đó đi vào trạng thái giảm sâu vào ngày cuối tuần. Đầu tuần, tỷ giá USD trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.619 đồng/USD, và đến hôm thứ sáu cuối tuần còn 23.600 đồng/USD, theo đó USD trung tâm giảm 19 đồng mỗi USD trong tuần vừa qua.

Các yếu tố vĩ mô đều đang có lợi cho tỷ giá

Xuất khẩu tăng trưởng tốt, dự trữ ngoại hối dồi dào và diễn biến yếu đi của đồng USD trên thị trường quốc tế đều là những yếu tố có lợi cho tỷ giá đồng Việt Nam so với USD.

Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank cũng diễn biến theo chiều hướng giảm. Mở đầu tuần, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 23.380/23.410/23.750 đồng/USD. Sau đó sau một số phiên giữ giá và một số phiên điều chỉnh giảm trong tuần, tỷ giá tại Vietcombank vào hôm cuối tuần ghi nhận ở mức 23.310/23.340/23.680 đồng/USD. Diễn biến chung trong cả tuần, tỷ giá tại Vietcombank giảm khoảng 70 đồng mỗi USD.

Tình hình chung của tỷ giá hiện nay đang có diễn biến khá thuận lợi. Ngoài yếu tố thuận lợi do tình hình xuất siêu thời gian qua, việc NHNN đã mua dự trữ ngoại tệ trong thời điểm đầu năm 2023 cho thấy khả năng kiểm soát tỷ giá của NHNN thời điểm hiện tại là đang khá tốt. Ngoài ra sau biến cố tại một số ngân hàng Mỹ, USD cũng có xu hướng bị yếu đi so với trước và điều này cũng càng ít tạo áp lực cho tỷ giá đối với VND của Việt Nam.

Giá vàng diễn biến bất ổn định

Trong những giai đoạn trước, FED tăng lãi suất thường dẫn đến động thái giảm giá vàng do nắm giữ vàng không có lãi suất, nên xu hướng đầu tư sẽ hướng sang các sản phẩm tài chính có lãi suất cố định để hưởng lãi cao hơn. Tuy nhiên, quy luật này không diễn ra trong đợt tăng lãi suất lần này của FED mà ngược lại, giá vàng quốc tế thậm chí vẫn tăng ngay ngày hôm sau khi FED chính thức tăng lãi suất.

Mặc dù vậy, diễn biến giá vàng cũng trong trạng thái bất ổn định do chịu tác động của nhiều yếu tố đan xen lẫn nhau. Một mặt, USD yếu đi khiến cho vàng trở nên có giá hơn trong mối so sánh với USD. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không đổ tiền vào vàng quá nhiều dẫn việc kim loại quý này tuy có thời điểm tăng, nhưng lập tức chịu áp lực chốt lời ngay sau đó và điều chỉnh giảm trở lại.

Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng 9999 của SJC hôm đầu tuần ngày 20/3 ghi nhận ở mức 66,65 triệu đồng/lượng mua vào và 67,37 triệu đồng/lượng bán ra, cuối tuần thấp hơn khoảng 100 nghìn đồng/lượng với 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,27 triệu đồng/lượng bán ra.

USD yếu khiến việc tăng lãi suất lần này của FED không gây áp lực tăng giá USD như các lần trước

Điều đáng chú ý trong lần tăng lãi suất lần này của FED là áp lực tăng giá USD cũng không xảy ra như những lần trước, bởi trong giai đoạn hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thì Chính phủ Mỹ cũng phải tăng cung USD. Theo đó, các quốc gia khác cũng sẽ ít chịu sức ép phải tăng lãi suất theo FED để giữ giá trị đồng tiền bản tệ như những lần tăng lãi suất trước đây của FED.

Chí Tín

© Thời báo Tài chính Việt Nam