Tập trung nghiên cứu hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp quy mô nhỏ

13:04 | 25/03/2023 Print
(TBTCO) - Theo Bộ Tài chính, với các mức thuế suất đã đảm bảo sự cạnh tranh, đặt trong bối cảnh quốc tế hiện nay và vấn đề cơ cấu lại nguồn thu ngân sách đang đặt ra cấp bách, thời gian tới sẽ tập trung nghiên cứu điều chỉnh thuế vào nhóm đối tượng cấp thiết là doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam khá cạnh tranh

Theo đề cương dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi do Bộ Tài chính vừa hoàn thiện, Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung quy định mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường để đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nhỏ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được khuyến khích phát triển bằng các chính sách ưu đãi thuế.

Tại đề cương sửa luật, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng và tương thích với các luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành sau thời điểm Luật thuế TNDN có hiệu lực (6 nhóm vấn đề).

Mức thuế TNDN phổ thông 20% đang khá ưu đãi

Với thực tế chính sách thuế TNDN ở Việt Nam, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông đang được áp dụng hiện nay (là 20%) cùng với các chính sách ưu đãi được cho là có tính cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư.

Về bổ sung quy định mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường để đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong thời gian qua, Việt Nam đã từng bước giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông qua các lần sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN theo đúng lộ trình đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế các giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011- 2020.

Theo đó, mức thuế suất phổ thông đã giảm từ 28% (trước năm 2009) xuống 25% (từ 01/01/2009), xuống 22% (từ 01/01/2014) và xuống 20% (từ 01/01/2016); riêng doanh nghiệp có quy mô nhỏ được áp dụng thuế suất 20% ngay từ 01/07/2013.

Việc giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông trên diện rộng trong thời gian qua đã có tác động khuyến khích kinh doanh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tích lũy, tăng đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Việc điều chỉnh thuế suất thuế TNDN phổ thông này nằm trong xu hướng chung về điều chỉnh thuế suất thuế TNDN mà nhiều nước trên thế giới áp dụng trong giai đoạn đã qua nhằm tăng tính cạnh tranh trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Với thực tế chính sách thuế TNDN ở Việt Nam, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông đang được áp dụng hiện nay (là 20%) cùng với các chính sách ưu đãi được cho là có tính cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư. Theo đánh giá đối với trường hợp dự án có thời gian hoạt động 50 năm nếu được áp dụng mức ưu đãi tối đa thì mức thuế suất trung bình vào khoảng 12,3%/năm.

So với các nước trong khu vực ASEAN, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông 20% là bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, Lào, Campuchia; thấp hơn so với Philippines (30%), Myamar (25%), Malaysia (24%), Indonesia (22%) và cao hơn so với Singapore (17%), Brunei (18,5%). Mức thuế suất ưu đãi trung bình 12,3%/năm là tương đương với Campuchia; thấp hơn Myamar (12,5%), Maylaysia (15,5%), Phillippines (21,7%) và cao hơn so với Singapore (7%), Thái Lan (9,5%), Lào (10,5%), Indonesia (11,5%). Mức thuế suất ưu đãi 12,3% và mức thuế suất phổ thông 20% hiện nay cũng là phù hợp.

Áp mức thuế thấp hơn thuế suất thông thường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Bộ Tài chính, với các mức thuế suất đã đảm bảo sự cạnh tranh, đặt trong bối cảnh quốc tế hiện nay và vấn đề cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước đang được đặt ra ngày càng cấp bách, thì không đặt ra vấn đề tiếp tục điều chỉnh mức thuế suất phổ thông thuế TNDN trên diện rộng trong giai đoạn tới, mà sẽ tập trung nghiên cứu việc điều chỉnh thuế vào nhóm đối tượng cấp thiết là doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Đây cũng là định hướng được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 508/QĐ-TTg nêu trên.

Cục Thuế Bình Định: Bao quát và quản chặt các nguồn thu trên địa bàn
Nhiều chính sách ưu đãi thời gian qua đã gây áp lực lên nguồn thu ngân sách.

Ở nước ta hiện nay số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Trong tổng số hơn 815 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động thì số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%.

Xác định nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ luôn là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế đối với nhóm doanh nghiệp này (trong đó có giải pháp về giảm thuế TNDN).

Cùng với đó, trong giai đoạn từ ngày 01/07/2013 đến hết ngày 31/12/2015, doanh nghiệp có quy mô nhỏ (doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20% (thấp hơn mức thuế suất 25%, 22% áp dụng đối với các doanh nghiệp khác); từ 01/01/2016 đến nay, doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang áp dụng chính sách thuế TNDN như các doanh nghiệp khác (mức thuế suất phổ thông là 20%).

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó đã đề ra các mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, chú trọng phát triển doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đồng thời khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Cùng với đó, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, trong đó đã có quy định về nguyên tắc chung làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng và áp dụng chính sách ưu đãi về thuế TNDN như: DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN (Điều 10).

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế hiện nay cho thấy doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên nhiều phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng theo hướng quy định mức thuế suất ưu đãi (có thể là mức thuế suất cố định hoặc mức thuế suất lũy tiến theo quy mô thu nhập) dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Thực tế là phần lớn các nước áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất phổ thông cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, có phân biệt theo quy mô doanh thu, thu nhập chịu thuế.

Bộ Tài chính đề xuất định hướng bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường để đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp DNNVV.

Về thời gian sửa luật, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến tiến độ của dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) như sau: Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024). Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025)./.

Nhiều nước ưu đãi thuế cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ

Tại Trung Quốc, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 25%, doanh nghiệp có quy mô nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Tại Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn, cụ thể như doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300.000 bạt trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 bạt được áp dụng mức thuế suất 15% và trên 3.000.000 bạt áp dụng mức thuế suất 20%.

Tại Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu won chịu thuế đầu tiên, 20% đối với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu won đến 20 tỷ Won, 22% đối với phần thu nhập chịu thuế trên 20 tỷ won.

Hà Lan áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 EUR thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 EUR.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam