Làm gì để bảo vệ quyền lợi người lao động khi chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết?

07:36 | 29/03/2023 Print
(TBTCO) - Ông Nguyễn Minh Quang - Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để chuẩn bị cho Đề án Quan hệ lao động giai đoạn 2023 - 2028, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thực hiện khảo sát tình hình quan hệ lao động ở cả ba khu vực Bắc - Trung - Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng là làm thế nào để bảo vệ quyền lợi người lao động khi chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết.
Làm gì để bảo vệ quyền lợi người lao động khi chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết?
Đồng Nai đã xảy ra những vụ việc chủ lao động bỏ trốn khiến hàng nghìn lao động rơi vào hoàn cảnh nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: CTV

Giải quyết mâu thuẫn quan hệ lao động từ công đoàn cơ sở

Bối cảnh hiện nay được cho là dễ phát sinh tranh chấp quan hệ lao động khi tình hình sản xuất xuất khẩu giảm đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động. Vấn đề này chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da…

Do vậy, trong điều kiện hiện nay, tổ chức công đoàn các cấp theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, phối hợp giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh xảy ra tranh chấp quan hệ lao động.

TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai là hai địa bàn được khảo sát đại diện cho khu vực phía Nam. Kinh nghiệm của Công ty TNHH sản xuất đồ mộc CHIEN Việt Nam, tại KCN Tam Phước tỉnh Đồng Nai cho thấy, vai trò của công đoàn cơ sở là không thể thiếu trong nắm bắt tình hình lao động, không để sự việc phát sinh thành mâu thuẫn, tranh chấp.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tin - Chủ tịch công đoàn công ty, những vụ việc tranh chấp trong quan hệ lao động thời gian qua chủ yếu phát sinh từ việc chủ sử dụng lao động chưa tuân thủ quy định pháp luật như vấn đề bảo hiểm xã hội, chậm lương, hoặc không thực hiện các cam kết phúc lợi cho người lao động.

Để giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích hai bên trong doanh nghiệp FDI, nếu chủ tịch công đoàn cơ sở thông thạo ngoại ngữ, đối thoại với chủ doanh nghiệp không cần người phiên dịch, thì rất dễ tìm được tiếng nói chung.

Do vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Tin kiến nghị công đoàn cấp trên tổ chức các chương trình đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ công đoàn cơ sở. Đây là một trong những kỹ năng cần thiết để chủ tịch công đoàn ở các doanh nghiệp phản ánh được đúng bản chất vấn đề, đàm phán bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước chủ doanh nghiệp.

Làm gì để bảo vệ quyền lợi người lao động khi chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết
Ảnh: Minh họa

Trong khi đó, ông Kiều Văn Đồng - Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Gỗ Lee Fu, tại KCN Tam Phước, tỉnh Đồng Nai cho rằng, tình hình hiện nay rất cần thiết tổ chức sân chơi cho người lao động. “Hiện nay công nhân không tăng ca như trước đây, giờ làm hành chính cũng giảm thì họ cần có không gian, sân chơi để hạn chế những tác động tiêu cực từ xã hội” - ông Đồng nói.

Ông Kiều Văn Đồng nêu kiến nghị và cho rằng, địa phương nào có khu công nghiệp, khu chế xuất cũng phải quan tâm vấn đề nhà trẻ cho con em công nhân. Bởi vì khi sản xuất phục hồi, công nhân sẽ quay lại nhịp tăng ca, lúc đó rất khó tìm được nơi nào gửi con ngoài giờ hành chính. Nếu giải quyết được việc này, người lao động sẽ yên tâm gắn bó với công việc.

Về các chính sách hỗ trợ người lao động thời gian qua, theo ông Đồng, bất kỳ khoản nào cũng đáng quý, nhưng có những chương trình đưa ra điều kiện khắt khe, nên công nhân không tiếp cận được. “Chính sách cần phải sát thực tế, đến được tay công nhân, không phải là cơ chế hỗ trợ nằm trên giấy” - ông Đồng bày tỏ.

Theo Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Đồng Nai, cơ quan này đã phê duyệt hơn 2.000 hồ sơ đủ điều kiện theo Nghị quyết số 06 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 31/3/2023.

Phải đảm bảo tính pháp lý trong quan hệ lao động

Ông Kiều Minh Sinh - Trưởng ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách để hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, hoặc doanh nghiệp phá sản nhưng chưa thanh toán tiền lương và chưa trích nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, theo ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, điểm thuận lợi là thành phố đã ban hành Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2026”, đây là cơ sở rất quan trọng để phát triển quan hệ lao động trên địa bàn thành phố. Từ thực tiễn các vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn thành phố thời gian qua, ông Tâm cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo tính pháp lý trong quan hệ lao động.

Đề án của TP. Hồ Chí Minh cũng đề ra các nhóm giải pháp phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2022 - 2026 như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể; nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; cuối cùng là xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp, tham vấn ba bên trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động.

Năm 2022, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 13 vụ ngừng việc tập thể đều liên quan đến vấn đề không tuân thủ đóng bảo hiểm xã hội hoặc không thực hiện đúng các cam kết trả lương, trả thưởng. Do vậy, lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố đề nghị phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người lao động nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình trong tuân thủ luật pháp quan hệ lao động.

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam