Ưu đãi thuế - động lực giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh

06:42 | 29/03/2023 Print
(TBTCO) - Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đang là công cụ quan trọng trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên gần đây, nhiều nước đã thực hiện sửa đổi chính sách ưu đãi thuế theo hướng chỉ tập trung cho một số ngành mũi nhọn và vùng đặc biệt khó khăn, thay thế tiêu chí khuyến khích theo ngành nghề bằng việc khuyến khích cả nền kinh tế.

Nhiều ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế

Nhằm phát triển bền vững nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), mở rộng cơ sở thuế đã trở thành một định hướng lớn trong nhiều văn kiện, nghị quyết gần đây của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện mở rộng cơ sở thuế thì bên cạnh việc mở rộng đối tượng chịu thuế, việc rà soát và hợp lý hóa các chính sách ưu đãi thuế, trong đó có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.

Hiện nay, chính sách ưu đãi đãi thuế TNDN, bao gồm ưu đãi về thuế suất, thời gian miễn, giảm thuế được quy định tại Luật Thuế TNDN. Cụ thể, quy định về thuế suất ưu đãi, bao gồm các mức ưu đãi 10%, 15% và 17%. Về thời hạn ưu đãi, ngoài trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi trong suốt thời gian thực hiện dự án (áp dụng đối với mức ưu đãi 10% và 15%) thì còn có mức ưu đãi 10% trong 15 năm, trường hợp đặc biệt thời gian ưu đãi có thể được kéo dài đến 30 năm và mức ưu đãi 17% trong 10 năm.

Tại luật này cũng đã quy định về thời gian miễn, giảm thuế, trong đó có 2 mức ưu đãi: miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo; miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo. Ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế áp dụng đối với cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.

Ưu đãi thuế - động lực giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh
Nguồn: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồ họa: Văn Chung

Thực tế phát triển trong các giai đoạn đã qua cho thấy, ưu đãi thuế TNDN đang là công cụ quan trọng trong việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, chính sách ưu đãi thuế TNDN của Việt Nam trong gần 20 năm qua cũng đã có những điều chỉnh theo từng giai đoạn và đã góp phần phát huy hiệu quả tích cực về khuyến khích sản xuất kinh doanh thu hút đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.

Ưu đãi dàn trải mang đến nhiều hệ lụy

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thực tiễn thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành cũng đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế cần được nghiên cứu, rà soát lại cho phù hợp. Tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích phát triển còn hạn chế.

Qua rà soát cho thấy, các doanh nghiệp thường tập trung đầu tư tại những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi như khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng (trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô doanh nghiệp FDI lớn nhất cả nước, chiếm 37% số lượng doanh nghiệp FDI). Trong khi đó, các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là hai khu vực có tỷ trọng doanh nghiệp thực hiện đầu tư thấp, nhất là nhóm doanh nghiệp FDI.

Chính sách ưu đãi thuế thu hút đầu tư nước ngoài

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết quả thể hiện ở nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng tăng lên qua các năm, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư kể cả trong những giai đoạn khó khăn của thế giới và khu vực.

Bên cạnh đó, lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế còn dàn trải, cùng với việc lồng ghép nhiều chính sách xã hội trong chính sách thuế đã làm giảm tính trung lập của thuế; làm gia tăng chi phí ngân sách của việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN.

Với tổng số nhóm lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN hiện nay là 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề; về địa bàn ưu đãi thuế hiện có 54/63 tỉnh, thành phố thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế, thêm vào đó là các khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp tại địa bàn thuận lợi).

Theo số liệu thống kê thì mặc dù số trường hợp được hưởng ưu đãi thuế TNDN chỉ chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp nhưng số thuế TNDN được miễn, giảm chiếm tỷ trọng khá lớn trong số thu thuế TNDN (năm 2020 là 27,01%).

Về ảnh hưởng đến thu NSNN, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế về ưu đãi thuế theo điều kiện địa bàn từ năm 2017 đến năm 2020 cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế nằm chủ yếu tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, nhưng số thuế TNDN được ưu đãi thuế lại chủ yếu tập trung tại địa bàn khu công nghiệp.

Thực tiễn nêu trên cho thấy các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong khi các doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghiệp đa phần là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có quy mô lớn; các khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở địa bàn có điều kiện KT-XH thuận lợi (Hà Nội,

TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương...). Do đó, việc rà soát để sắp xếp lại lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi thuế sẽ góp phần vừa đảm bảo việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế được thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, khuyến khích đầu tư vào các ngành, nghề lĩnh vực được ưu tiên theo định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; đồng thời cũng sẽ góp phần mở rộng cơ sở thuế, củng cố tính bền vững của thu NSNN.

Ưu đãi thuế không phải yếu tố quyết định đầu tư

Theo một số chuyên gia kinh tế, chính sách ưu đãi thuế vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành. Trong quá trình xây dựng các luật chuyên ngành thời gian qua, tại một số văn bản luật vẫn tiếp tục có các quy định về chính sách ưu đãi thuế đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, làm tăng tính dàn trải và giảm tính trung lập của thuế.

Qua thực tiễn kinh nghiệm ở nhiều nước và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (như WB, IMF) cho thấy ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư khi lựa chọn địa điểm đầu tư mà các yếu tố như đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sự ổn định và minh bạch của thể chế có ý nghĩa quan trọng hơn.

Để thu hút đầu tư, trong nhiều trường hợp, ưu đãi thuế là cần thiết nhưng cần được áp dụng một cách thận trọng và phải được cân nhắc trên cơ sở so sánh, đánh giá đầy đủ các lợi ích và chi phí của áp dụng các chính sách này. Mỗi quốc gia cần căn cứ vào những đặc điểm, bối cảnh về kinh tế - xã hội trong nước, về khả năng quản lý và thực thi các chính sách ưu đãi sau khi được ban hành để nghiên cứu, lựa chọn các chính ưu đãi thuế phù hợp. Xu hướng chung được nhiều nghiên cứu ủng hộ là từng bước hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào các hình thức ưu đãi dựa vào kỳ miễn, giảm thuế vì có chi phí cao.

Ngoài ra, việc ban hành các chính sách ưu đãi thuế TNDN cần được xây dựng trên cơ sở đảm bảo đặt lợi ích tổng thể của nền kinh tế quốc dân lên trên lợi ích cục bộ của từng ngành, từng địa phương; được thực hiện theo những mục tiêu thống nhất, đảm bảo sự nhất quán và phải theo một định hướng phát triển rõ ràng, tránh việc ban hành các chính sách khuyến khích thuế chỉ để phục vụ mục tiêu ngắn hạn trước mắt hoặc có lợi cho cục bộ một số ngành, nghề hay địa bàn.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam