Thương mại điện tử: Lấp lỗ hổng pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng

08:30 | 29/03/2023 Print
(TBTCO) - Bên cạnh việc giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng thì thương mại điện tử, giao dịch kinh tế qua không gian mạng cũng đi kèm với nhiều rủi ro như: lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bán hàng giả, hàng nhái... Hiện các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng vẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng, đầy đủ. Lỗ hổng pháp lý này đã khiến người tiêu dùng phải hứng chịu thiệt thòi, rủi ro trong trước muôn kiểu hành vi gian lận, trục lợi hoành hành.

Thương mại điện tử - tiện lợi song hành rủi ro

Bước vào thời kỳ chuyển đổi số, việc người tiêu dùng sử dụng không gian mạng để giao dịch hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Thay vì đi chợ truyền thống hoặc đến trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng… thì không ít người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online).

Nguồn: Bộ Công Thương Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Công Thương. Đồ họa: Thế Dương

Thế nhưng, bên cạnh việc giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn thì cũng có nhiều rủi ro đi kèm.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá, hiện nay, xu hướng mua bán trực tuyến đang phát triển đồng nghĩa với việc hàng giả, gian lận thương mại cũng gia tăng. Người tiêu dùng đối diện nhiều hơn với vấn nạn mua, sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử là 222 triệu đồng.

Cũng trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.

Kịp thời nắm bắt, xử lý vi phạm, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng xây dựng và vận hành Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, với 52 điểm kết nối trên cả nước; nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tại các cơ quan quản lý nhà nước.

Nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện nhưng khiếu nại vẫn gia tăng, do nhiều quy định của luật không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh, đặc biệt là các quy định bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, mua bán hàng trên không gian mạng.

Cần có quy định riêng về kinh doanh trên không gian mạng

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, Ban soạn thảo, cân nhắc thiết kế một mục riêng về kinh doanh trên không gian mạng, không gộp chung với mục “bán hàng từ xa” để tăng tính rõ ràng, thuận tiện trong áp dụng cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) Trịnh Anh Tuấn, nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử, trên không gian mạng, Bộ Công thương đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và trình Chính phủ ngày 8/6/2022. Dự thảo luật cũng được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư tháng 10/2022; dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2023.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tiến bộ hơn rất nhiều so với luật cũ và được điều chỉnh rộng khắp nhiều lĩnh vực. Trong đó, các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng là những sửa đổi rất ý nghĩa, chắc chắn sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và giám sát các giao dịch đặc thù (trên không gian mạng) tốt hơn.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, để có thể điều chỉnh kịp thời các loại hình kinh doanh, giao dịch mới cũng như các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, dự thảo luật đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch từ xa được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.

Điểm đáng lưu ý là, dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng; quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian…

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hiệu quả hơn.

* Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường:

Người tiêu dùng cần lựa chọn nhà bán hàng chính hãng, có uy tín

Ông Trần Hữu Linh
Ông Trần Hữu Linh

Hiện nay mua bán trên không gian mạng cùng với sự tiện dụng cũng phát sinh nhiểu rủi ro với người tiêu dùng. Các đối tượng kinh doanh hàng vi phạm thường dùng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo, giới thiệu qua các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... từ đó lấy lòng tin của người tiêu dùng để bán sản phẩm.

Ngoài ra, nếu mua hàng tại các trang mạng trôi nổi, những tài khoản mạng xã hội có thể lập và xóa bất kỳ lúc nào thì đương nhiên quyền lợi sẽ khó đảm bảo hơn, nhất là khi mua món hàng giá trị.

Do vậy, để hạn chế thấp nhất các rủi ro, nhất là khi mua hàng trên không gian mạng, người tiêu dùng phải thận trọng, tìm mua hàng hóa ở các cửa hàng có địa chỉ uy tín, các đại lý phân phối hàng chính hãng, phải có hóa đơn và giữ lại hóa đơn để phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra.

* Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội:

Tăng cường tuyên truyền tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng

Bà Trần Thị Phương Lan
Bà Trần Thị Phương Lan

Sở Công thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, nhất là kinh doanh trên môi trường mạng, hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng thông qua các hoạt động như tăng cường thực hiện các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, phát huy sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông.

Mặt khác, vận hành các công cụ, cơ chế để hỗ trợ người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng, tập huấn nâng cao năng lực của các sở công thương, các hội bảo vệ người tiêu dùng./.

Song Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam