Thu ngân sách nhà nước quý I/2023 ước đạt 30,3% dự toán

18:52 | 30/03/2023 Print
(TBTCO) - Chiều 30/3, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi - người phát ngôn của Bộ Tài chính chủ trì và điều hành hội nghị. Theo thông tin tại họp báo, lũy kế thu ngân sách nhà nước quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách nhà nước tăng 1,3%

Thông tin tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022 (ngân sách trung ương đạt 37,6% dự toán; ngân sách địa phương đạt 22,1% dự toán).

Bộ Tài chính họp báo quý I/2023: Thu ngân sách nhà nước đạt 30,3% dự toán

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Đức Minh

Trong đó, số thu nội địa quý I/2023 đạt khá chủ yếu do tập trung thu các khoản phát sinh quý IV/2022 và chênh lệch do quyết toán thuế năm 2022 (như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân...) theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý I/2023.

Có 4 khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán và giảm so cùng kỳ là thu thuế bảo vệ môi trường; thu phí, lệ phí; các khoản thu về nhà, đất và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nếu loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của 3 khu vực này giảm 6% so cùng kỳ.

Ước tính có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I/2023 đạt trên 28% dự toán; có 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ và 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2023; triển khai đầy đủ các giải pháp, các chính sách thu NSNN và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh việc thực hiện các chính sách để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa, hóa đơn điện tử, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế, hải quan cũng tích cực thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách. Đồng thời, tăng cường công tác thu thuế giao dịch thương mại điện tử, thu từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu Quốc hội quyết nghị.

Bộ Tài chính cũng cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Lũy kế chi quý I đạt 17,5% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); chi trả nợ lãi ước đạt 27,1% dự toán, giảm 3,4%; chi thường xuyên ước đạt 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo Bộ Tài chính, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/3/2023, đã thực hiện phát hành gần 94 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,53 năm, lãi suất bình quân 4,26 %/năm.

Triển khai thuế tối thiểu toàn cầu để không ảnh hưởng đến dòng vốn FDI

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Đầu tư, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Vụ Tài chính ngân hàng...) đã trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính họp báo quý I/2023: Thu ngân sách nhà nước đạt 30,3% dự toán
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Đức Minh

Các nội dung được các cơ quan báo chí đề cập tập trung vào: Giải pháp triển khai thuế tối thiểu toàn cầu; kết quả triển khai hóa đơn điện tử; tình hình triển khai đường dây nóng của Bộ Tài chính để tiếp nhận các phản ánh về tình trạng ép mua bảo hiểm nhân thọ; tình hình cổ phần hóa từ đầu năm đến nay; kết quả giải ngân vốn đầu tư công; nên hay không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online...

Đề cập tới nội dung triển khai thuế tối tiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung quan trọng tác động trực tiếp đến chính sách ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, với thuế tối thiểu theo chương trình BEPS (hiện 143 nước tham gia, trong đó Việt Nam là thành viên thứ 100), để tránh cạnh tranh cần đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu ở mức 15%.

Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thuế tối thiểu là vấn đề rất mới và quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác và Bộ Tài chính đã có Tổ giúp việc đánh giá tác động của chính sách này. Đồng thời, đề xuất giải pháp làm sao tận dụng được lợi thế, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực của chính sách này.

"Vì là vấn đề mới nên Bộ Tài chính đề nghị các nhà báo, cơ quan báo chí với thông tin có được đóng góp cho Bộ Tài chính, Chính phủ xem nên làm như thế nào để đạt được các mục tiêu" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị.

Một số đối tác lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 nên sẽ tác động đến Việt Nam. Hiện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vẫn đang bám sát tình hình triển khai của các nước dự kiến từ năm 2024.

Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng và Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD vào tháng 8/2022, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng. Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ giúp việc do Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn làm Tổ trưởng.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin thêm, dự kiến Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp của Tổ công tác để đánh giá nội dung này, đảm bảo duy trì quyền đánh thuế của Việt Nam, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và tuân thủ quy định chung.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, Tổng cục Thuế sẽ theo dõi tình hình triển khai thuế suất tối thiểu toàn cầu của các nước, bao gồm cả những nước có đầu tư ra nước ngoài và những nước nhận đầu tư từ nước ngoài, tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp chịu sự tác động bởi thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Đồng thời, nghiên cứu hướng dẫn của OECD về thuế suất tối thiểu toàn cầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, quyết định việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam cho phù hợp, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam.

Bộ Tài chính họp báo quý I/2023: Thu ngân sách nhà nước đạt 30,3% dự toán

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh giải đáp các nội dung được phóng viên quan tâm đặt câu hỏi tại họp báo.

Cơ quan thuế đã tiếp nhận 3,3 tỷ hóa đơn điện tử

Đánh giá kết quả triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) và công tác phòng chống rủi ro trong lĩnh vực HĐĐT, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện hệ thống HĐĐT của ngành Thuế đã có trên 3 tỷ hóa đơn được phát hành.

Đối với ngành Thuế, đây là thành tích đáng ghi nhận, nhưng cũng tạo sức ép rất lớn về mặt quản lý đối với cơ quan thuế, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro về HĐĐT. Vì vậy, Tổng cục Thuế đang khẩn trương thực hiện các giải pháp trong công tác phân tích thông tin đánh giá người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hóa đơn để áp dụng thống nhất trong quản lý HĐĐT.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, bên cạnh việc quản lý, vận hành hệ thống HĐĐT để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, tin cậy, hóa đơn được cấp mã kịp thời, thông tin gửi nhận được đầy đủ, ngành Thuế đã tăng cường kiểm soát tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.

Ưu điểm của HĐĐT là tất cả các giao dịch đều được truy vết trên hệ thống và rà soát bằng các công cụ phần mềm, trí tuệ nhân tạo, phục vụ đánh giá rủi ro của cơ quan thuế, cũng như phục vụ cơ quan điều tra để xử lý các vấn đề về gian lận HĐĐT.

Hiện nay ngành Thuế đang triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, áp dụng chủ yếu cho hệ thống bán lẻ, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, phấn đấu hết năm nay sẽ triển khai 100% tại 4 thành phố lớn (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh). Song song với đó, 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nằm trong chuỗi của doanh nghiệp bán lẻ cũng thực hiện xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền với cơ quan thuế./.

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam