Có nên tiếp tục tăng lãi suất?

13:24 | 31/03/2023 Print
(TBTCO) - Đây là câu hỏi đã được đặt ra trong suốt thời gian qua khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới liên tiếp tăng lãi suất nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Lạm phát đã giảm, tuy nhiên nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn còn ở mức cao. Sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu càng làm tăng thêm nghi ngờ về hiệu quả của chính sách này.

Thành công của chính sách lãi suất cao

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt là ảnh hưởng của việc thực thi chính sách tiền tệ mở rộng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19, lạm phát bắt đầu tăng cao vào thời điểm đầu năm 2022. Điều này khiến các ngân hàng trung ương phải hành động bằng việc thắt chặt tiền tệ, trong đó tăng lãi suất là biện pháp được nhiều nước sử dụng và đã tỏ ra có hiệu quả trong việc kiểm soát đà tăng của lạm phát.

Có nên tiếp tục tăng lãi suất?
Ngân hàng Silicon Valley Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất thung lũng Silicon của Mỹ và lớn thứ 16 ở Mỹ đã tuyên bố phá sản. Ảnh: TL

Kể từ đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2022, đến nay Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 9 lần liên tiếp tăng lãi suất, đưa mức lãi suất biên độ 0-0,25% lên mức 4,75-5% vào tháng 3/2023. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã liên tiếp tăng lãi suất điều hành, sau đợt tăng ngày 16/3/2023, lãi suất được đẩy lên mức 3,5% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Tương tự là việc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã 12 lần tăng lãi suất liên tiếp đưa lãi suất lên mức 4,25%.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra cảnh báo về áp lực giá cả sẽ mạnh hơn so với dự kiến trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng cao, lợi nhuận cao trong một số lĩnh vực, và sự thắt chặt của thị trường lao động.

Thực tế, việc kiên trì với chính sách tăng lãi suất đã có tác dụng trong việc kiểm soát lạm phát. Theo đó, lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống chỉ còn 6% trong tháng 02/2023, tức giảm hơn 30% so với thời điểm cao kỷ lục vào tháng 6 năm trước. Trong khi đó, dấu hiệu tích cực cũng đến với khu vực EU khi lạm phát giảm xuống chỉ còn 8,5% trong tháng 02, trong khi cao nhất ở mức 10,6% vào tháng 10.

Đánh giá về hiệu quả của tăng lãi suất, Chủ tịch FED khu vực St. Louis James Bullard trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC (tháng 3/2023) cho rằng, việc tăng lãi suất cao hơn, sớm hơn sẽ hiệu quả hơn. Biên bản sau cuộc họp của FED vào tháng 3/2023 cũng nêu rõ trong ba tháng qua tốc độ tăng giá hàng hóa giảm, song lạm phát vẫn là mối đe dọa và việc tăng lãi suất là cần thiết. Thậm chí một vài thành viên của FED muốn tăng lãi suất 0,5 điểm % (thay vì mức 0,25 điểm %).

Các hành động thận trọng từ phía các ngân hàng trung ương

Đã xuất hiện tâm lý hoài nghi đối với hiệu quả của việc tăng lãi suất, ít nhất là những tác động không mong muốn của việc thực thi chính sách này. Vào năm 2006, FED cũng từng tiến hành tăng lãi suất từ mức 1% lên mức 5,25% nhằm duy trì sự ổn định, hạn chế đà tăng quá nóng. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 năm, các nỗ lực kiểm soát này đã kết thúc bằng một cuộc khủng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ khu vực tài chính Mỹ.

Có nên tiếp tục tăng lãi suất?
Ảnh; TL minh họa

Theo giới phân tích, những biến động lớn trong ngành ngân hàng thời gian qua đang khiến tâm lý hoài nghi của giới đầu tư gia tăng và các ngân hàng trung ương ngày càng khó khăn hơn trong việc đưa động thái tăng lãi suất tiếp theo. FED được cho là đã hạn chế đà tăng lãi suất, giảm mức trần lãi suất cũng như rút ngắn thời gian của việc thực hiện kế hoạch giảm lãi suất điều hành.

Thực tế trong kỳ họp tháng 3/2023 (ngày 21-22/3), FED đã tăng 0,25 điểm % lãi suất điều hành, thấp hơn mức dự đoán 0,5 điểm % trước khi xảy ra sự kiện, đồng thời thời điểm FED bắt đầu hạ lãi suất được dự báo sẽ quý 4 năm 2023 thay vì sang năm 2024 so với dự báo trước đó.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế thế giới (17/3/2023), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra cảnh báo về áp lực giá cả sẽ mạnh hơn so với dự kiến trong bối cảnh chi phí dịch vụ tăng cao, lợi nhuận cao trong một số lĩnh vực, và sự thắt chặt của thị trường lao động.

Chuyên gia kinh tế trưởng của OECD Alvaro Pereira cho rằng chính sách tiền tệ cần tiếp tục đóng vai trò hạn chế đà tăng giá cả, cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát cơ bản được hạ thấp một cách bền vững. Việc tăng lãi suất hơn nữa vẫn là cần thiết ở nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu”.

Các ngân hàng trung ương đã có hành động thận trọng hơn nhằm cố gắng đảm bảo cả hai nhiệm vụ: kiềm chế lạm phát và duy trì sự ổn định tài chính. Trong cuộc họp chính sách vào ngày 16/3/2023, bên cạnh việc công bố tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %, Chủ tịch Christine Lagarde và các nhà hoạch định chính sách của ECB đã không đưa ra bất kỳ thông tin nào về mức lãi suất đỉnh dự kiến sẽ hướng tới.

Đánh giá về sự thận trọng này, Frederick Ducrozet, nhà kinh tế học tại Pictet Wealth Management nhận định, quyết định của ECB để ngỏ cho hai lựa chọn, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ khi hoảng loạn giảm bớt hoặc không ngần ngại can thiệp, nhanh chóng và mạnh dạn nếu nhận thấy sự ổn định của hệ thống tài chính đang bị đe dọa.

Nhiều ngân hàng khủng hoảng, sụp đổ trong thời gian ngắn

Trong tháng 3/2023 xảy ra liên tiếp các vụ sụp đổ và khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới khi ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất thung lũng Silicon của Mỹ và lớn thứ 16 ở Mỹ, tuyên bố phá sản. Tiếp đó, ngày 12/3, ngân hàng Signature Bank tại New York, một ngân hàng quan trọng trong ngành tiền mã hóa, đã bị đóng cửa. Ngân hàng First Republic thành lập từ năm 1985, phục vụ nhóm khách hàng tương tự như SVB cũng có nguy cơ phải đóng cửa.

Tại châu Âu, ngân hàng đầu tư Credit Suisse - một trong những ngân hàng lớn của ngân hàng thế giới của Thụy Sỹ cũng rơi vào khủng hoảng và bị đối thủ UBS mua lại. Vào tuần cuối tuần tháng 3/2023, cổ phiếu của ngân hàng Deutsche Bank (Đức) giảm mạnh nhất trong 3 năm và chi phí bảo hiểm cho rủi ro ngân hàng Đức vỡ nợ tăng vọt.

Hải Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam