Kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Hệ thống Kho bạc Nhà nước (1/4/1990 - 1/4/2023):

Nguồn nhân lực - “chìa khóa” để mở ra mọi cánh cửa thành công

06:30 | 31/03/2023 Print
(TBTCO) - Từ một Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính, sau nhiều năm xây dựng và phát triển đã trở thành Kho bạc Nhà nước. Hiện tại, mô hình kho bạc đang trở thành kho bạc điện tử và đang hướng tới mô hình kho bạc số vào năm 2030. Trong từng giai đoạn phát triển, Kho bạc Nhà nước đều chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, bởi đây chính là “chìa khóa” để mở ra mọi cánh cửa thành công.

Chất lượng cán bộ ngày càng nâng cao

Có thể thấy, trong giai đoạn đầu thành lập và đi vào hoạt động, chất lượng đội ngũ công chức Kho bạc Nhà nước (KBNN) còn nhiều bất cập. Với tổng số gần 7.500 cán bộ, nhân viên chủ yếu từ 2 ngành Tài chính và Ngân hàng chuyển sang, chỉ có 14,6% công chức KBNN có trình độ đại học, trên 45% có trình độ trung học, số còn lại gần 40% chỉ mới đào tạo bậc sơ cấp hoặc chưa đào tạo về chuyên môn. Đến nay, đội ngũ công chức KBNN đang ngày càng được củng cố, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Hiện toàn hệ thống KBNN có gần 1,3 vạn công chức, viên chức với 31,4% có trình độ trên đại học; 57,7% có trình độ đại học; còn lại là công chức, viên chức có trình độ cao đẳng, trung cấp trở xuống. Đội ngũ công chức, viên chức đều có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản. Bên cạnh lớp thế hệ công chức đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm, gắn bó và cống hiến nhiều năm cho ngành, toàn hệ thống KBNN hiện đang sở hữu một đội ngũ công chức trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo chính quy, năng động, tự tin, có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp.

Trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, để trở thành kho bạc điện tử đòi hỏi phải có đội ngũ công chức chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Theo đó, KBNN đã đặc biệt chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, đủ trình độ năng lực và phẩm chất đạo đức, đáp ứng được yêu cầu của một kho bạc hiện đại.

Công chức Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách. Ảnh: Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng
Công chức Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách. Ảnh: Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng

Bên cạnh việc làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, thời gian qua, toàn hệ thống KBNN đã làm rất tốt việc tinh gọn bộ máy. Từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã thực hiện 3 đợt rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và đã cắt giảm được được 2.332 đầu mối, trong đó cắt giảm 1 đơn vị sự nghiệp tương đương cấp vụ, cục; 260 đơn vị cấp phòng; 73 KBNN cấp huyện; 1.998 cấp tổ đội. Đồng thời, toàn hệ thống đã sắp xếp, bố trí cắt giảm được hơn 650 vị trí lãnh đạo cấp phòng và tương đương; cắt giảm hơn 2.600 vị trí lãnh đạo cấp tổ (đội).

Việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế của KBNN được thực hiện đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ quản lý. Các cải cách này đã thay đổi tư duy làm việc từ thủ công sang quản lý, xử lý công việc theo hướng chủ động, chuyên nghiệp thông qua các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, từ đó đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư có quan hệ giao dịch với KBNN; góp phần tiết kiệm thời gian, công sức chung cho toàn xã hội và giúp hệ thống KBNN tiết kiệm các khoản chi cho bộ máy và con người.

Đặc biệt, việc kiện toàn bộ máy còn tạo điều kiện thuận lợi để KBNN triển khai các nhiệm vụ mới liên quan đến việc hoàn thành nền tảng kho bạc số và xây dựng kho bạc số; liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi NSNN theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát theo rủi ro đặt nền tảng cơ bản cho việc triển khai Chiến lược phát triển của KBNN đến năm 2030.

Tiếp tục nâng cao chất lượng và sắp xếp bộ máy

Với đích đến mới là kho bạc số, KBNN xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị KBNN và cả hệ thống KBNN phù hợp với công cuộc cải cách hành chính nhà nước nói chung và của ngành Tài chính nói riêng.

Theo đó, trong thời gian tới KBNN sẽ nghiên cứu thí điểm từng bước sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp (tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện) theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với lộ trình phù hợp, đảm bảo hoạt động của KBNN và việc giao dịch của các tổ chức, cá nhân với KBNN được thuận lợi.

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Kho bạc Nhà nước đã đưa ra khỏi biên chế những công chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, theo Nghị quyết số 39 - NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

KBNN cũng sẽ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động KBNN theo vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng; có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt, nhằm đáp ứng yêu cầu công vụ và các định hướng cải cách đến năm 2030; phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước; tăng cường sử dụng các nguồn lực bên ngoài và thực hiện tinh giản biên chế.

Đặc biệt, việc phát triển đội ngũ lãnh đạo KBNN các cấp, đội ngũ công chức nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tại trung ương có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của hệ thống KBNN trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của toàn hệ thống KBNN. Cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, người lao động KBNN tại từng cấp, từng đơn vị, phù hợp với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ và đổi mới phương thức quản lý.

Đồng thời, KBNN cũng sẽ cải thiện môi trường làm việc và chủ động triển khai các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ, tạo điều kiện và thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo và khơi dậy tinh thần cống hiến trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.

Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho các cấp lãnh đạo

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kho bạc nhà nước đến năm 2030, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đặt ra kế hoạch tiếp tục bổ sung, cập nhật các kiến thức mới giúp lãnh đạo cấp tổng cục tăng cường khả năng hoạch định chiến lược, cơ chế, chính sách về ngành, lĩnh vực được giao quản lý; chỉ đạo tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành có hiệu quả; tăng cường khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

KBNN cũng tăng cường khả năng tham mưu, nghiên cứu, xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất các giải pháp thực hiện về lĩnh vực chuyên môn được giao; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả; tăng cường khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đối với đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo cấp vụ và tương đương, cấp phòng và tương đương tại cơ quan KBNN.

Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo tại cơ quan KBNN sẽ được đào tạo tăng cường về khả năng và kỹ năng nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất các giải pháp thực hiện về lĩnh vực chuyên môn được giao cũng như khả năng làm việc độc lập, theo nhóm và làm việc trong môi trường quốc tế.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo tại KBNN cấp tỉnh sẽ được tăng cường khả năng và kỹ năng triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách; khả năng tác nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ được giao.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam