Kết quả kinh tế quý I: Nhiều điểm sáng trong bối cảnh khó khăn

06:00 | 31/03/2023 Print
(TBTCO) - Sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê về kinh tế xã hội quý I, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, về những điểm đáng lưu ý trong tình hình kinh tế quý I và triển vọng tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm.

PV: Xin bà cho biết đánh giá chung về bức tranh tăng trưởng quý I năm nay?

Bà Nguyễn Thị Hương
Bà Nguyễn Thị Hương

Bà Nguyễn Thị Hương: Tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32%, là mức thấp so với quý I nhiều năm gần đây. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng, đây là kết quả khá tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động và đầy bất thường, nhu cầu thị trường thế giới giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao…

Những khó khăn này thể hiện ở kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu sụt giảm mạnh. Chi phí giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng khá cao. Lần đầu tiên các ngành công nghiệp có mức tăng trưởng âm quý I kể từ năm 2011 đến nay, với mức giảm 0,82%; giảm mạnh nhất chủ yếu tập trung ở các ngành gia công, lắp ráp như: dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da, sản xuất các sản phẩm điện tử… là những ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Hoạt động của doanh nghiệp theo đó cũng gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường gia tăng. Một số doanh nghiệp tiếp tục giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Tổng vốn nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm đáng kể…

PV: Trong những khó khăn như vậy, theo bà có những nét tích cực nào không, trong bức tranh kinh tế quý I?

Bà Nguyễn Thị Hương: Điểm tích cực của chúng ta là dù khó khăn, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 2,52%, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung dồi dào cho đời sống người dân và phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh gần 6,8%, đóng góp chính cho mức tăng trưởng quý I. Bên cạnh đó, du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, tăng gần 30 lần so với quý I năm 2022, kéo theo chi tiêu dùng trong nước tăng trưởng dương.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2023 tăng gần 30 lần cùng kỳ năm 2022.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2023 tăng gần 30 lần cùng kỳ năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ khu vực nhà nước tăng hơn 11% - là nguồn vốn mồi quan trọng để thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội, tạo động lực cả về trước mắt và lâu dài cho tăng trưởng của Việt Nam. Một kết quả khả quan nữa là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong tầm kiểm soát, trong bối cảnh lạm phát thế giới suy giảm nhưng vẫn neo ở mức cao.

PV: Nguyên nhân nào giúp chúng ta có được những kết quả như vậy, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Kết quả tăng trưởng của khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát; các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.

Vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong công tác điều hành giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Ngày 3/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023; giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022, theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022. Nhờ đó, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, bảo đảm đời sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV: Kết quả quý I đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay. Theo bà, đâu là những yếu tố có thể thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm?

Bà Nguyễn Thị Hương: Với những diễn biến hiện nay, tình hình kinh tế thế giới thời gian tới dự báo còn nhiều khó khăn và kinh tế trong nước cũng bị tác động không nhỏ. Tuy vậy, kinh tế nước ta vẫn có nhiều điểm sáng có thể tác động tích cực đến tăng trưởng.

Cụ thể như hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh với nguồn vốn từ chương trình phục hồi, kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ có tác dụng gia tăng nền tảng kết cấu, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây sẽ làm cho tiêu dùng nội địa tăng, kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hoạt động tài chính, ngân hàng được dự báo sẽ đạt kết quả tăng trưởng tốt nếu tiếp tục duy trì tỷ giá bình ổn, đa dạng nguồn thu, đặc biệt là các nguồn thu từ hoạt động số hóa như ứng dụng thanh toán, ví điện tử…

Ngành du lịch dự kiến tiếp tục có nhiều khởi sắc mạnh mẽ. Đặc biệt, do đặc thù du lịch là ngành dịch vụ thị trường có tính chất lan tỏa nên nhiều ngành dịch vụ khác sẽ sôi động hơn trong thời gian tới như vận tải, hoạt động ăn uống, khách sạn, nhà hàng, nghệ thuật vui chơi giải trí…

Ngành Nông nghiệp do đặc thù không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế nước ta. Ngành Nông nghiệp hiện nay đang từng bước chuyển đổi, gắn sản xuất với thị trường, sản xuất với chế biến, sản xuất với chuỗi giá trị gia tăng.

Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ các giới hạn đi lại quốc tế sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn do dịch bệnh, kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và thủy sản của nước ta. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành du lịch xây dựng các chương trình chính sách thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn bà!

Các chính sách quản lý, điều hành đang phát huy hiệu quả

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kinh tế - xã hội quý I/2023 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng để duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam