Chứng khoán hôm nay (31/3): VN-Index có chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 8/2021

19:58 | 31/03/2023 Print
(TBTCO) - Thị trường chứng khoán hôm nay (31/1) tiếp tục duy trì đà tăng. Chỉ số VN-Index dù tăng nhẹ nhưng chính thức nối dài chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp. Đây là chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 8/2021. Thanh khoản phiên hôm nay cũng duy trì đà tăng và khối ngoại mua ròng trở lại.

VN-Index tăng phiên thứ 9 liên tiếp

Thị trường chứng khoán hôm nay khép lại quý I với chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp, đây cũng là chuỗi tăng liên tiếp dài nhất kể từ đầu tháng 8/2021. Chỉ số VN-Index tăng +17,85 điểm, tương đương 1,71%, thanh khoản tuần này cũng tăng 18,4% so với tuần trước.

Theo dữ liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng +5,2 điểm (+0,49%) lên 1.064,64 điểm. Độ rộng thị trường khá cân bằng song có nghiêng về bên mua. Theo đó, trên sàn HOSE có 198 mã tăng, trong khi có 184 mã giảm và 71 mã đứng giá.

Chứng khoán hôm nay (31/3): VN-Index có chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 8/2021
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ VN-Index phiên này là: VHM (+3,94%), VIC (+2,42%), GVR (+5,44%), TCB (+2,35%), HDB (+2,94%)… đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu lớn khác như: VCB (-1,4%), MSN (-1,77%), VNM (-0,8%), VRE (-1,17%), GAS (-0,39%)…

Bên cạnh đó, chỉ số VN30 cũng tăng +6,44 điểm (+0,6%) đạt 1.073,68 điểm. Ở rổ VN30 có 15 mã tăng, trong khi cũng có 9 mã giảm và 4 mã đứng giá. Nhóm midcap và smallcap cũng tăng lần lượt +0,72% và +0,43%.

Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 13.336 tỷ đồng, tăng 7,5% so với phiên hôm qua và cao nhất trong 26 phiên gần đây, qua đó kéo thanh khoản bình quân tuần này tăng 18,4% so với tuần trước.

Khối ngoại mua ròng 183 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như: HPG, VHM, VIC, HSG, VPB… Ở chiều ngược lại: STB, VND, SSI, VRE, MSN… là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Tổng thể có vẻ đang tốt lên?

Thị trường chứng khoán hôm nay cơ bản giao dịch trong sắc xanh mặc dù có sự giằng co trong phiên chiều. Tuy nhiên, nỗ lực mua vào trong phiên chốt giá trị tài sản ròng (NAV) quý I đã vượt qua được áp lực bán ngắn hạn, vì vậy giúp chỉ số tăng khá tốt. Tâm lý hôm nay cũng đã tích cực hơn giúp dòng tiền duy trì đà tăng.

Cùng với việc thanh khoản tăng tốt, khối ngoại hôm nay cũng mua ròng trở lại giúp tâm lý thị trường được củng cố thêm. Mặc dù tính chung cả tuần là bán ròng, nhưng giá trị bán của khối ngoại cũng không đáng kể, chỉ gần 140 tỷ đồng.

Nhà đầu tư hôm nay cũng ngóng chờ tin giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Mặc dù thông tin chính thức vẫn chưa công bố, nhưng tại cuộc họp báo chiều nay, cơ quan quản lý cũng truyền thông điệp sẽ có một đợt giảm lãi suất điều hành trong ngắn hạn. Điều này góp phần giúp dòng tiền tích cực hơn trong hôm nay.

Chứng khoán hôm nay (31/3): VN-Index có chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 8/2021
VN-Index nối dài chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp. Ảnh: Duy Dũng

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, thị trường chứng khoán trong nước đã có 2 tuần tăng điểm nhưng xu hướng chưa có thay đổi nhiều. Tích lũy vẫn đang là xu hướng chính do vậy chắc chắn diễn biến ngắn hạn vẫn còn “thấp thỏm”. Kết quả kinh doanh quý I có thể sẽ hướng dòng tiền phân hóa song có thể con số chung sẽ “không đẹp”.

Một điểm đáng để theo dõi là dòng tiền. Thanh khoản tăng trở lại trong vài phiên gần đây nhưng lại trúng dịp cuối tháng và chốt NAV, vì thế chưa khẳng định được đó là tiền vào từ bên mua. Tất cả vẫn phải chờ đợi vào độ mạnh và bền của dòng tiền trong những phiên tới.

Theo các chuyên gia MBS, thị trường khép lại quý I với những tín hiệu tích cực từ chỉ số đến dòng tiền. Chỉ số VN-Index đã tăng 2 tuần liên tiếp và chốt lại tháng 3 với mức tăng 3,9%. Thanh khoản thị trường tuần cuối tháng 3 cũng đạt mức cao nhất trong 5 tuần với mức bình quân 11.735 tỷ đồng/phiên.

Bước vào tháng 4, thị trường sẽ thẩm thấu các thông tin vĩ mô quý 1 bên cạnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang có chuỗi tăng ấn tượng và có cơ hội thử thách vùng cản 1.070 – 1.073 điểm./.

Chứng khoán thế giới chuẩn bị khép lại tuần tăng thứ 2 liên tiếp khi căng thẳng ở hệ thống ngân hàng Mỹ và châu Âu lắng xuống. Cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra trong tháng 3 này, với sự sụp đổ của 2 ngân hàng khu vực Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Số liệu này là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ưa chuộng và có ảnh hưởng lớn đến các động thái chính sách tiền tệ của FED.

Thái Duy

© Thời báo Tài chính Việt Nam