Tạo mô hình liên kết để vùng Đông Nam Bộ "cất cánh"

06:26 | 28/04/2023 Print
(TBTCO) - 48 năm sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã có sự tăng trưởng, phát triển vượt bậc, toàn diện về kinh tế - xã hội, trở thành vùng kinh tế năng động nhất cả nước. Trung ương và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiếp đà cho sự phát triển này. Tuy nhiên, để chính sách nhất quán và sớm đi vào cuộc sống, các địa phương trong vùng cần sớm chủ động cùng nhau nhận định lại thế mạnh của mình để hợp tác, phát triển xứng tầm. Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Hiến - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing.

PV: Theo ông, đâu là thế mạnh riêng có, nổi trội của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ và sự cần thiết phải tăng cường liên kết vùng trong giai đoạn hiện nay?

TS. Nguyễn Văn Hiến
TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Đông Nam Bộ vốn là vùng kinh tế năng động nhất cả nước. Khu vực này dù chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số cả nước nhưng đã đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách năm 2021. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tăng trưởng GRDP của vùng đang có dấu hiệu "chững lại".

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24 đã mở ra hướng tháo gỡ những nút thắt, những ràng buộc làm cản trở quá trình liên kết, đồng thời tạo cơ hội mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới, phát triển của cả nước này.

Tuy nhiên, để liên kết vùng thực sự phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả cao thì cần phải tạo ra nhiều hành lang pháp lý, nhiều cơ chế thông thoáng hơn nữa, đặc biệt, các địa phương trong vùng cần chủ động sáng tạo tìm ra mô hình liên kết hay trong từng lĩnh vực để khai thác thế mạnh và khắc phục hạn chế của từng địa phương trong quá trình phát triển, chứ không nên thụ động ngồi chờ Chính phủ hoặc các bộ/ngành trung ương.

Ví dụ như TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương cần liên kết với nhau để giải quyết điểm nghẽn về giao thông, bởi kẹt xe, ách tắc giao thông đang là điểm nghẽn nghiêm trọng trong giao thương kinh tế giữa 2 địa phương này...

Vùng Đồng bằng sông Cửu long rất cần có một hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại.
Vùng Đồng bằng sông Cửu long rất cần có một hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại.

PV: Có ý kiến cho rằng, các địa phương phải cùng nhau nhận định lại thế mạnh, chỉ rõ hạn chế để đưa ra giải pháp phù hợp trong đầu tư, khai thác và phát triển. Ông nhìn nhận quan điểm này như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Trong vùng Đông Nam Bộ, mỗi địa phương đều có những thế mạnh cũng như những hạn chế riêng. Mục đích của liên kết vùng là tạo hợp lực phát triển trên cơ sở phát huy tối đa thế mạnh, đồng thời khắc phục, bù đắp những hạn chế về nguồn lực phát triển của mỗi địa phương.

Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh có ưu thế về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là đầu mối giao thương quốc tế nhưng lại hạn chế về quỹ đất và hạ tầng để phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư cho người lao động. Hoặc, Bà Rịa – Vũng Tàu có ưu thế về du lịch biển và cảng biển nước sâu nhưng kết nối với các địa phương trong vùng lại hạn chế, vì vấn đề giao thông tắc nghẽn. Nếu các địa phương liên kết được với nhau sẽ góp phần bổ sung các nguồn lực cho nhau, cùng nhau phát triển vì mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, việc đánh giá thế mạnh của mỗi địa phương phải trên cơ sở phân tích lợi thế so sánh giữa các địa phương chứ không phải đánh giá cục bộ ở riêng lẻ mỗi địa phương. Ví dụ, ở một địa phương có quỹ đất, nhưng phát triển gì trên quỹ đất đó phải đặt trong mối quan hệ với các địa phương khác theo hướng chuyên môn hóa vùng thì mới phát huy được hiệu quả cao nhất của nguồn lực quỹ đất đó.

Vì vậy, cần phải quy hoạch lại không gian phát triển của cả vùng một cách khoa học và hợp lý nhất, địa phương nào cần đầu tư phát triển gì phải trên quy hoạch chung của cả vùng chứ không phải mạnh địa phương nào địa phương đó làm sẽ lãng phí rất lớn các nguồn lực phát triển.

PV: Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, thời gian tới, các địa phương trong vùng cần tập trung nguồn lực xây dựng những công trình trọng điểm cấp vùng, đẩy mạnh liên kết và hợp tác giữa các địa phương giúp chia sẻ nguồn tài nguyên... Ông có thể phân tích thêm về sự cần thiết, tầm quan trọng trong liên kết vùng đối với các lĩnh vực này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Vấn đề then chốt nhất để phát huy hiệu quả của liên kết vùng đó là liên kết về giao thông. Thực hiện tốt liên kết về giao thông sẽ là cú huých thúc đẩy sự phát triển của cả vùng. Liên kết phát triển giao thông không phải chỉ là phát triển mạng lưới giao thông đường bộ mà là phát triển đồng bộ toàn bộ hệ thống giao thông, bao gồm: giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không, cảng biển, đặc biệt là phát triển mạng lưới đường cao tốc và đường sắt kết nối các địa phương với nhau.

Liên kết để tạo cú hích cho phát triển kinh tế vùng

Trước năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Bộ từng đạt trung bình trên 10%. Bắt đầu từ năm 2020, tăng trưởng kinh tế của vùng giảm rõ rệt, trung bình chỉ đạt 7 - 8% mỗi năm. Tăng trưởng GRDP giảm sâu trong những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và có nguy cơ mất vị thế dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vùng Đông Nam Bộ còn rất nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy cần có cú huých về cơ chế để phát triển, đặc biệt là cơ chế liên kết vùng. Các địa phương phải tăng cường liên kết hỗ trợ lẫn nhau, bổ sung cho nhau, hạn chế những điểm yếu để cùng phát triển.

Quy hoạch phát triển chỉ thành công khi có hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại. Ví dụ, các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư các nhà máy chế biến xuất khẩu tại Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh (nơi có quỹ đất rộng rãi và chí phí rẻ) nếu xe vận tải container hàng xuất khẩu từ các địa phương này đến hệ thống cảng biển hoặc cảng sông ở Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc TP. Hồ Chí Minh chỉ mất 1 đến 2 giờ xe chạy thay vì mất cả ngày như hiện nay.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư cũng phải được chia sẻ và đồng bộ hóa giữa các địa phương, nhất là các thủ tục về đất đai, về đầu tư, các quy định về bảo vệ môi trường… để nhà đầu tư an tâm khi đầu tư; địa phương nào trong vùng thì thủ tục cũng như vậy và họ chỉ việc thực hiện theo quy hoạch phát triển chung của vùng.

Ngay quỹ nhà ở xã hội cũng cần được chia sẻ và sử dụng chung giữa các địa phương nhằm góp phần thực hiện quy hoạch dân cư, người dân, người lao động có thể sinh sống ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương khác, tránh tình trạng cát cứ như hiện nay.

PV: Gần đây nhất, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh từng đề xuất cần thành lập quỹ giao thông để cùng khai thác phát triển. Ông đánh giá về đề xuất này như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo tôi, ý tưởng thành lập một quỹ đầu tư phát triển giao thông chung của cả vùng là một đề xuất hay. Để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại liên địa phương trong vùng sẽ cần một lượng vốn khổng lồ, nếu cứ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước sẽ rất lâu và không khả thi trong điều kiện ngân sách quốc gia còn nhiều hạn hẹp như hiện nay.

Vì vậy, rất cần hình thành một quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chung cho cả vùng. Quỹ đầu tư này một phần từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, một phần huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế hoặc huy động từ các nhà đầu tư trong vùng thông qua hình thức vay hoặc phát hành trái phiếu quỹ. Quỹ này sẽ được sử dụng chung để đầu tư phát triển hệ thống giao thông của cả vùng theo quy hoạch chứ không phải như các dự án đầu tư phát triển giao thông riêng lẻ của từng địa phương như thời gian qua.

PV: Xin cảm ơn ông!

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam