Giải ngân vốn đầu tư công sẽ bứt phá trong các quý tiếp theo

06:54 | 08/05/2023 Print
(TBTCO) - Trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ có sự bứt phá trong quý II và quý III khi các tồn tại, vướng mắc dần được tháo gỡ. Cũng theo ông Đức, việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được thực hiện nghiêm túc và là tiêu chí để bình xét thi đua khen thưởng cho các cấp, các ngành.

PV: 4 tháng đã trôi qua nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn đang rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm trước. Ngoài các giải pháp đã và đang thực hiện, theo ông cần có giải pháp gì tiếp theo để việc giải ngân tạo được đột phá trong thời gian tới?

Giải ngân vốn đầu tư công sẽ bứt phá trong các quý tiếp theo
Ông Dương Bá Đức

Ông Dương Bá Đức: Năm 2023 có đặc thù là cơ cấu nguồn vốn rất lớn (hơn 700 nghìn tỷ đồng), nên áp lực giải ngân rất lớn. Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã giao kế hoạch vốn năm 2023 sớm, nhưng hiện nay vẫn còn một số dự án đang hoàn thiện thủ tục. Lý do là trong gói phục hồi kinh tế, một số dự án phải báo cáo lại UBTVQH phê duyệt xong Chính phủ mới bố trí nguồn vốn trung hạn, trên cơ sở đó, bộ, ngành, địa phương mới có cơ sở để phân bổ vốn.

Bên cạnh đó, một số dự án liên kết vùng hiện vẫn còn đang vướng mắc về thủ tục, vì cơ chế chính sách hiện nay đang vướng ở Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước khi không cho dùng nguồn vốn của cấp này chuyển sang cấp kia, hoặc không cho sử dụng các dự án của Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho các địa phương, trong khi đó, đây đa phần là những dự án lớn… Tuy nhiên, những nội dung này đang được các cơ quan quản lý nhà nước tích cực trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Đặc biệt, trước khó khăn từ nguồn vật liệu xây dựng, Chính phủ đã kịp thời ban hành nghị quyết để xử lý tối đa cho việc này. Ngoài các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các thủ tục sớm nhất để thực hiện giải ngân. Tôi cho rằng, để công tác giải ngân vốn nhanh nhất thì các cơ quan, chủ đầu tư phải có sự quyết liệt. Khi dự án có khối lượng hoàn thành, phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi đến kho bạc để thanh toán vốn ngay chứ không phải chờ đến khi có một khối lượng lớn mới làm các thủ tục giải ngân.

Giải ngân vốn đầu tư công sẽ bứt phá trong các quý tiếp theo
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Bên cạnh đó, các địa phương phải bố trí kế hoạch vốn sát với thực tế, phải dự toán được những dự án nào đang có nhiều khó khăn, vướng mắc để luân chuyển nguồn vốn sang dự án có thể giải ngân được… Đây chính là khâu quyết định cho công tác giải ngân.

PV: Bộ Tài chính vừa qua đã tham mưu cho Chính phủ rất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngoài các giải pháp đã và đang thực hiện, cần phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Dương Bá Đức: Tôi rất đồng tình với ý kiến này. Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng đề cập rất nhiều đến trách nhiệm của người đứng đầu và đây được coi là điều kiện để đánh giá thi đua cho các cấp, ngành, địa phương.

Hơn nữa, cùng một cơ chế chính sách, nhưng có nhiều bộ, địa phương thực hiện giải ngân rất tốt, cao hơn bình quân chung cả nước; ngược lại, nhiều bộ, địa phương lại giải ngân rất thấp, thậm chí còn chưa giải ngân. Rõ ràng cần phải xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu. Đơn cử như vừa qua, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình, đồng thời từ chối nhận danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022 khi TP. Hồ Chí Minh có nguồn vốn đầu tư công xấp xỉ 10% trên tổng vốn của cả nước, nhưng lại ở nhóm địa phương giải ngân thấp nhất cả nước.

Xây dựng phần mềm về quản lý thanh toán vốn công khai

Vụ Đầu tư đang phối hợp với Cục Tin học, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) xây dựng phần mềm về quản lý thanh toán vốn công khai. Khi phần mềm này được triển khai, hàng tháng Vụ Đầu tư sẽ công khai các dự án của các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được, từ đó sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp luân chuyển vốn, chứ không để tình trạng vốn chờ công trình như hiện nay.

Tôi hy vọng, qua gương điển hình của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, các địa phương sẽ xác định vai trò của người đứng đầu và đứng ra nhận trách nhiệm khi đơn vị, địa phương mình giải ngân chậm. Việc này cũng sẽ được thực hiện nghiêm túc trong việc đánh giá thi đua khen thưởng cho các cấp, các ngành.

PV: Mục tiêu năm 2023 giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch vốn. Với chức năng quản lý, thanh toán vốn, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp gì tiếp theo để góp phần cùng cả nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thưa ông?

Ông Dương Bá Đức: Về góc độ quản lý thanh toán vốn, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư 96/2021/TT-BTC quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán. Tại nghị định và thông tư đã cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, các nhà thầu. Đặc biệt trong việc kiểm soát thanh toán vốn, chúng ta cũng hướng tới thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến, nên việc kiểm soát, thanh toán vốn đã nhanh hơn rất nhiều.

Về phía Vụ Đầu tư, chúng tôi cũng dự kiến trong quý III, quý IV sẽ báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước để tổ chức tọa đàm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, với đối tượng tham gia là các cơ quan kho bạc địa phương, tài chính, các chủ đầu tư để nắm bắt lại những vướng mắc, khó khăn trong công tác giải ngân tại địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tổ chức tập huấn các cơ chế để làm sao tất cả đều có cách hiểu, cách tổ chức thực hiện trong việc quản lý, thanh toán hiệu quả nhất. Tôi tin là việc này cũng sẽ nhận được sự đồng tình rất cao của các cơ quan tài chính, kho bạc, các chủ đầu tư, nhà thầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiến độ giải ngân của 4 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 đã có chuyển biến tích cực

Trong tháng 4 vừa qua, Tổ công tác số 5 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng đã kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại 4 địa phương: Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương.

Vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương trên 31.465 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương trên 9.365 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương trên 22.099 tỷ đồng.

Đến hết tháng 3/2023, 4 địa phương này giải ngân được 2.791,1 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước đến hết tháng 4/2023 giải ngân được trên 4.200 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, Đắk Nông giải ngân đạt trên 12%, ước 4 tháng đạt 18,61%; Gia Lai đạt 4,36%, ước 4 tháng đạt 13,82%; Đồng Nai đạt 8,95%, ước 4 tháng đạt 12,57%; Bình Dương đạt 9,37%, ước 4 tháng đạt 14,64%.

Ngoài ra, các địa phương trên đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023). Trong đó, tỉnh Đắk Nông có 36 dự án; Gia Lai 21 dự án; Đồng Nai 9 dự án; Bình Dương 21 dự án.

Trước tiến độ giải ngân còn chậm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp và yêu cầu 4 địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Kết quả tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 4 địa phương này đã có thay đổi tích cực.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến nay tỉnh Đắk Nông đã có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân của cả nước và đã thoát ra khỏi nhóm địa phương giải ngân thấp. Tại Bình Dương, Đồng Nai cũng có sự biến chuyển nhưng vẫn đang ở mức thấp. Trong tháng 5 này, Vụ Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tài chính những giải pháp đối với các địa phương thuộc Tổ công tác số 5, đảm bảo hết tháng 5, tháng 6 tỷ lệ giải ngân phải bứt phá so với các tháng đầu năm.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam