Tăng cường kiểm tra hiện trường để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

07:40 | 24/05/2023 Print
(TBTCO) - Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai của Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng. Theo báo cáo, hiện 3 địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì vậy tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn mức trung bình của cả nước.

2 trong 3 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 3 địa phương Tổ công tác số 5 kiểm tra đợt này, chỉ có tỉnh Bình Dương là đã hoàn thành việc phân bổ 100% vốn cho các dự án.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ giao là 12.182,893 tỷ đồng; địa phương đã giao là 21.817,939 tỷ đồng, bằng 206,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh triển khai tăng phần vốn ngân sách địa phương).

Còn lại 2 địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn được giao là Đồng Nai và Gia Lai.

Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ giao trên 11.683,2 tỷ đồng; địa phương đã giao trên 12.848,2 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỉnh triển khai tăng phần vốn ngân sách địa phương).

Tăng cường kiểm tra hiện trường để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Tài chính - Tổ trưởng Tổ công tác số 5 yêu cầu Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương tăng cường kiểm tra hiện trường để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Minh Anh

Đến nay, tỉnh Đồng Nai mới giao chi tiết cho dự án trên 11.493 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 1.824,8 tỷ đồng, bằng 94,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách địa phương là 9.668,67 tỷ đồng bằng 87,7% kế hoạch Hội đồng nhân dân giao).

Bộ Tài chính cho biết, vướng mắc của Luật Đầu tư công và Luật Đất đai được các địa phương nêu ra là những vướng mắc pháp lý. Thực tế Luật Đầu tư công đã 2 lần sửa đổi nhưng đến nay vẫn còn rất vướng, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai dự án. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn chậm.

Bộ Tài chính đã có văn bản số 8182/BTC-ĐT ngày 17/8/2022 gửi Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát những quy định bất cập của pháp luật đầu tư công.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tiếp thu, tổng hợp trong quá trình sửa đổi.

Số vốn còn lại chưa phân bổ (so với số vốn HĐND giao) là 1.464,735 tỷ đồng. Việc chưa phân bổ hết nguồn vốn này là do tỉnh Đồng Nai bố trí cho các dự án khởi công mới, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định phê duyệt dự án. Đối với vốn trái phiếu chính quyền địa phương, hiện nay tỉnh đang hoàn thiện đề án để trình HĐND thông qua.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Gia Lai được Thủ tướng Chính phủ giao trên 4.461 tỷ đồng. Đến nay, địa phương mới giao chi tiết cho dự án trên 4.029 tỷ đồng, đạt 90,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện tỉnh Gia Lai còn trên 435 tỷ đồng chưa phân bổ. Lý do được tỉnh nêu ra nguồn vốn này dự kiến bố trí cho một số dự án khởi công mới nhưng đến nay chưa có quyết định phê duyệt dự án.

Cả 3 địa phương đều gặp khó trong việc giải ngân

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 30/4/2023, cả 3 địa phương này giải ngân được 3.212,7 tỷ đồng, đạt 11,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước 5 tháng giải ngân được 4.974,345 tỷ đồng, đạt 17,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai đạt 10,85%, ước 5 tháng đạt 20,99%. Tỉnh Gia Lai đạt 7,57%, ước 5 tháng đạt 12,74%. Tỉnh Bình Dương đạt 13,21%, ước 5 tháng đạt 16,03%.

Ngoài ra, hiện cả 3 địa phương này đều có các dự án chưa giải ngân, hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp (dưới 5% kế hoạch vốn năm 2023). Cụ thể: tỉnh Đồng Nai 20 dự án; tỉnh Gia Lai 17 dự án; tỉnh Bình Dương 19 dự án.

Việc giải ngân chậm được 3 địa phương nêu ra nguyên nhân là do vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công. Chẳng hạn, Điều 5 Luật Đầu tư công không cho phép phê duyệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm B, nhóm C (trong trường hợp cần thiết) gây chậm tiến độ đầu tư công (vì phải đợi thực hiện xong phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB thì mới triển khai thực hiện thi công phần xây lắp của dự án), trong khi đó các bước triển khai công tác đến bù, GPMB phức tạp, mất nhiều thời gian.

Hay như, Điều 24 Luật Đầu tư công quy định cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nên khi thực hiện nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư mất rất nhiều thời gian triển khai...

Tăng cường kiểm tra hiện trường để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra hiện trường 2 dự án của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Minh Anh

Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai. Cụ thể, trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ không phù hợp với thực tế, sau khi có quyết định phê duyệt dự án mới được triển khai thực hiện (trong điều kiện thuận lợi thì phải gần 1 năm mới tiến hành chi trả được cho người dân).

Hiện nay có những dự án đầu tư công khi triển khai một dự án phải triển khai 3 hình thức dự án (nhà ở tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình thuộc dự án), trong đó triển khai tái định cư là công việc rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Do đó, công tác xây dựng nhà ở tái định cư cần được xem xét xã hội hóa để tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên Luật Đất đai không quy định xã hội hóa xây dựng nhà ở tái định cư...

Trước những khó khăn vướng mắc đang gặp phải, các địa phương đã kiến nghị cho tách riêng công tác GPMB với các dự án nhóm B và C. Giao cơ quan chuyên môn đề xuất chủ trương đầu tư. Kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách tính thu tiền sử dụng đất cho các hộ dân có đủ điều kiện tái định cư nhưng chưa được giao đất tái định cư tại thời điểm bị thu hồi đất. Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn trong công tác thẩm định giá...

Song song với đó là các vướng mắc liên quan đến thời điểm tính thu tiền sử dụng đất tái định cư. Cụ thể, theo quy định, việc thu hồi đất, bố trí tái định cư thực hiện sau khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư, đồng thời phương án bồi thường phải xác định giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc thu chênh lệch.

Tuy nhiên, trước đây nhiều dự án thực hiện thu hồi đất, GPMB trước khi hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư dẫn đến nhiều hộ dân sau khi bàn giao mặt bằng thì nhiều tháng hoặc nhiều năm sau mới được giao đất tái định cư, dẫn đến vướng mắc liên quan đến thời điểm tính thu tiền sử dụng đất...

Yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Để đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư công của 3 tỉnh tiến triển mạnh mẽ ngay trong tháng 5, cũng như các tháng tiếp theo và đảm bảo chỉ tiêu kết thúc năm 2023 đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quán triệt và yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc, nghiêm túc triển khai các biện pháp theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai dự án đầu tư công, đặc biệt là công tác bồi thường GPMB. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh đến công tác tái định cư phải đi trước một bước để người dân có đất bị thu hồi ổn định đời sống, có cơ chế linh hoạt giao cho họ đất nền để tự làm nhà hoặc nhà nước xây nhà do người dân lựa chọn. Công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư phải làm trước không chờ phê duyệt dự án mới thực hiện các bước kiểm đếm, lập phương án bồi thường.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn vướng mắc, ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện dự án; thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường, tạo điều kiện để xác định đúng chi phí cho đầu tư công theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án.

Đặc biệt Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu cả 3 địa phương chỉ đạo rà soát các dự án đến nay không giải ngân được như đã nêu, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, tìm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý. Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật.

Tăng việc thanh toán theo hình thực trực tuyến trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Yêu cầu 3 địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công không còn phù hợp với thực tế như pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, đất đai, quy hoạch... trên tinh thần phân cấp, phân quyền, trách nhiệm, giảm tối đa thủ tục hành chính. Tổng hợp, đề xuất nội dung sửa đổi phù hợp với thực tế gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp./.

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam