Giảm thuế giá trị gia tăng: Giảm chi phí cho người dân, tăng khả năng phục hồi cho doanh nghiệp

14:55 | 24/05/2023 Print
(TBTCO) - Chiều 24/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất “Liều thuốc” kích thích tiêu dùng, hỗ trợ cả doanh nghiệp và người dân

Giảm thu ngân sách khoảng 24.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế GTGT nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Do vậy, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Giảm thuế giá trị gia tăng: Giảm chi phí cho người dân, tăng khả năng phục hồi cho doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên họp Quốc hội ngày 24/5.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Báo cáo về kết quả thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ cho hay chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Khi thực hiện giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế GTGT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

“Thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước (NSNN) cũng như nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Với giải pháp giảm thuế GTGT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu NSNN tương đương khoảng 24 nghìn tỷ đồng (đối với thu NSNN năm 2023 thì dự kiến giảm 20 nghìn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).

Giảm thuế giá trị gia tăng: Giảm chi phí cho người dân, tăng khả năng phục hồi cho doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình

Tăng cường quản lý thu, điều hành chi chặt chẽ

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tập trung quyết liệt công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách. Đồng thời, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, cắt giảm các khoản dự toán đã giao nhưng đến hết ngày 30/6/2023 các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023. Mặt khác, chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định.

Theo đánh giá của Chính phủ, người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Cân nhắc tác động bất lợi cho thu ngân sách năm 2023

Trình bày báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong UBTCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về tác động giảm thu NSNN năm 2023 theo dự kiến khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Phần giảm thu này không được dự kiến trong gói chính sách của Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng như trong dự toán NSNN năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. Do đó, chính sách giảm thuế GTGT này cần được cân nhắc một cách thận trọng vì sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho NSNN năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn, như báo cáo của Chính phủ.

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam