Bộ Tài chính: Triển khai hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật

17:01 | 24/05/2023 Print
(TBTCO) - Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 - 2022 của Bộ Tài chính cho thấy, Bộ đã triển khai kịp thời, hiệu quả, thống nhất các nhiệm vụ có liên quan đến Đề án.

Bố trí kinh phí triển khai nhiệm vụ đúng kế hoạch

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-BTC ngày 11/5/2018 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2022. Theo đó, Bộ Tài chính đã xác định rõ cụ thể nội dung công việc, tiến độ, thời hạn thực hiện và phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị thuộc Bộ trong triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính liên quan đến Đề án.

Bộ Tài chính: Triển khai hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật
Cơ quan thuế, hải quan luôn đồng hành, hỗ trợ chính sách pháp luật cho doanh nghiệp

Trên cơ sở kế hoạch đã được ban hành, Bộ Tài chính (Vụ Pháp chế) đã tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện và báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại kế hoạch để xây dựng các nội dung thực hiện; tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và hiệu quả và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch này tại đơn vị và tổng hợp chung vào báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật hàng năm theo đúng quy định.

Để đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ được giao, tổng hợp vào dự toán chi NSNN hàng năm của Bộ, bố trí kinh phí để triển khai nhiệm vụ theo quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng bảo đảm các điều kiện cho công tác tổ chức thi hành pháp luật tại Bộ Tài chính như kiện toàn tổ chức pháp chế tại Bộ, các tổng cục và các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và làm đầu mối công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng; đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức tại các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Tài chính về kỹ năng, năng lực tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật...

Đóng góp quan trọng trong tuyên truyền pháp luật tài chính

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo Đề án 242. Theo đó, Bộ đã hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; đổi mới công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; xây dựng thông tư của Bộ Tư pháp về hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm.

Bộ Tài chính: Triển khai hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật
Chính sách tài chính đã được ban hành kịp thời, hiệu quả giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Triển khai Quyết định 574/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính trên hệ thống thông tin Chính phủ. Việc ban hành quy chế đã giúp các đơn vị chủ động tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp phục vụ cho công tác tham mưu đối với lãnh đạo Bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các chính sách của ngành Tài chính.

Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, Bộ Tài chính đã tiếp nhận, xử lý 1.392 phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin Chính phủ của Văn phòng Chính phủ.

Về hỏi đáp chính sách tài chính tự động, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế Hỏi đáp chính sách tài chính tự động trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, các câu hỏi do độc giả gửi đến Bộ Tài chính được chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ để trả lời trên Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính.

Hệ thống hỏi đáp chính sách tài chính giúp việc xử lý trả lời câu hỏi tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả, cải cách hành chính, giảm thiểu tối đa việc sử dụng văn bản giấy, đồng thời rút ngắn thời gian trả lời các câu hỏi về chính sách tài chính. Quy chế cũng góp phần cho việc chủ động, tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính góp phần triển khai Chính phủ điện tử và Kế hoạch triển khai ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Bộ Tài chính.

Để khắc phục khó khăn trong thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành các tiêu chí cụ thể, định lượng để xác định được mức độ thực thi pháp luật, cũng như đánh giá được chính xác, toàn diện hiệu quả, tác động của văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn.

Đồng thời, cần sớm xây dựng, tổ chức áp dụng thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật; xây dựng thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm.

Chính sách ban hành kịp thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Bộ Tài chính cũng triển khai hiệu quả việc kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2022, Bộ Tài chính triển khai thực hiện tích hợp 296 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ngoài ra, để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, từ ngày 12/5/2020, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã cung cấp thêm 2 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đó là: Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp và kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam