Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất giảm thuế của Chính phủ

11:39 | 25/05/2023 Print
(TBTCO) - Tại phiên họp tổ của Quốc hội sáng 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong nửa cuối năm theo như đề xuất của Chính phủ. Các đại biểu cho rằng, việc giảm thuế là hết sức cần thiết, nhằm tăng sức cầu tiêu dùng, kích thích nền kinh tế.

Giảm thuế để giảm chi phí đầu vào

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng tình đánh giá, kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 đã thể hiện nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Việc đạt 13/15 chỉ tiêu, trong đó có rất nhiều chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, thu NSNN, đã tạo nền tảng, nguồn lực cho phát triển.

Tuy nhiên, theo ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng), từ cuối năm 2022 đến quý I/2023 đang có những dấu hiệu cần phải lưu tâm: Thu NSNN có xu hướng giảm; đơn hàng của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn; số DN thành lập mới giảm, trong khi số DN rời khỏi thị trường tăng…. Do đó, ĐB Trần Chí Cường đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để tháo gỡ.

Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất giảm thuế của Chính phủ

Các ĐBQH tại phiên họp tổ sáng 25/5

Liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các loại hàng hóa, dịch vụ như thực hiện tại Nghị quyết số 43/2022/QH15. Các ĐBQH đều đồng tình với đề xuất này của Chính phủ và cho rằng, đây là giải pháp hết sức cần thiết trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp còn khó khăn.

Theo ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên), việc giảm thuế GTGT 2% là hết sức cần thiết để hỗ trợ người dân và DN theo như Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, Chính phủ cần có báo cáo rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc đã nêu khi thực hiện chính sách này trong năm 2022, để tránh lặp lại khi thực hiện trong năm nay. Thời gian dự kiến áp dụng 6 tháng cuối năm 2023, ĐB Tạ Thị Yên đặt câu hỏi liệu có ngắn hay không, bởi theo ĐB, trong trường hợp kinh tế phục hồi và phát triển thì việc giảm thuế 6 tháng cuối năm là phù hợp; trường hợp khó khăn có thể kéo dài sang năm 2024.

ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, nhận định tình hình còn khó khăn, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó có đề xuất giảm thuế GTGT. “Tôi đồng ý đề xuất giảm 2% thuế GTGT để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để có thể thực hiện các chính sách hỗ trợ, nếu ngân sách chịu đựng được, như giảm thuế TNDN, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ cho lao động bị giãn việc, mất việc. Có thể thông qua hỗ trợ lãi suất thấp, kích cầu tiêu dùng để phát triển sản xuất”- ĐB Lê Kim Toàn đề xuất.

Tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế

Việc giải ngân chậm trễ vốn đầu tư công vẫn là những băn khoăn trong phát biểu của hầu hết các ĐBQH. ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, tỷ lệ không đạt theo kế hoạch, trong khi nền kinh tế còn khó khăn. Do đó, ĐB đề nghị cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, làm vốn mồi để dẫn dắt cho đầu tư tư nhân, nhằm kích thích nền kinh tế.

ĐB Trần Chí Cường cho biết: “ Mong muốn của cử tri rất lớn, đó là tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cho các dự án lớn, đang là rào cản các địa phương phát triển. Chính phủ đã đưa ra giải pháp, hy vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này”.

Đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất giảm thuế của Chính phủ
Việc giảm thuế GTGT sẽ kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng.

Theo ĐB Lò Thị Yến (Điện Biên), báo cáo của Chính phủ đã phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có khả năng không giải ngân hết vốn của Chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Vì thế, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, mong các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tháo gỡ trong thời gian tới.

ĐB Lò Thị Yến chia sẻ, ở địa phương, nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân đó là việc chuyển mục đích sử dụng rừng. ĐB cho rằng, phải xử lý triệt để các vướng mắc, mới khơi thông được nguồn vốn.

ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) nhận định, hiện nhiều dự án dang dở, nhiều DN đang khó khăn. Những khó khăn của lĩnh vực này sẽ kéo theo khó khăn của lĩnh vực khác. Nhiều lĩnh vực dịch vụ sức mua giảm, tăng trưởng kinh tế thấp, dẫn đến thu NSNN sụt giảm. Dự báo tình hình khó khăn có thể hết năm nay và kéo dài qua năm 2024.

ĐB cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. ĐB phân tích, hiện nay, trong giải ngân có 2 khâu yếu nhất, đó là: chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.

“Quốc hội tại kỳ họp này cho ý kiến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đây là dự án không lớn, từ QH khóa 14 đã cho ý kiến, nay vẫn cho ý kiến điều chỉnh. Mấy năm vẫn chuẩn bị, nghĩa là công tác chuẩn bị chúng ta có vấn đề. Từ khi cho chủ trương đến thực hiện, chuẩn bị chưa chặt chẽ, hiệu quả, phải điều chỉnh, kéo dài thời gian, gây lãng phí” - ĐB Lê Kim Toàn bình luận.

Một nguyên nhân cố hữu nữa được ĐB Lê Kim Toàn nêu, đó là giải phóng mặt bằng chậm trễ. ĐB đồng tình với ý kiến phát biểu của ĐBQH - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi cho rằng, cần phân cấp cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong khâu chuẩn bị đầu tư để chuẩn bị các dự án. Có quy định hợp lý hơn để giải bài toán “muốn có chủ trương đầu tư phải có vốn, muốn có vốn thì phải có chủ trương đầu tư”.

Gói hỗ trợ lãi suất chưa đi vào cuộc sống

Nhiều ĐBQH quan tâm đến việc hỗ trợ lãi suất 2% chưa đi vào cuộc sống. ĐB Trần Chí Cường cho rằng, gần như trong năm 2022 và dự kiến năm nay không đạt được và giải ngân thấp. ĐB dẫn chứng con số giải ngân: 153 tỷ đồng/hơn 16 nghìn tỷ đồng (năm 2022) và năm 2023 dự kiến chỉ giải ngân được 2.435 tỷ đồng, cũng là rất thấp. “Gói lãi suất hỗ trợ chúng ta đưa ra không hấp thụ được, trong khi lãi suất trên thị trường hiện nay còn cao” - ĐB Trần Chí Cường cho hay.

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam