Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và rượu, bia nhằm hạn chế tiêu dùng

07:58 | 26/05/2023 Print
(TBTCO) - Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe, Bộ Tài chính đã xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đó đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và rượu, bia...
Cần áp dụng chính sách thuế phù hợp để hạn chế tác hại từ thuốc lá, đồ uống có đường

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tác hại của sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 25/5, bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng Chính sách thuế Giá trị gia tăng và Tiêu thụ đặc biệt, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, trong dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe như: thuốc lá, rượu, bia.

Đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và rượu, bia phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước

Bà Trần Thị Tuyết phát biểu tại hội nghị. Ảnh:

Từ năm 2008 - 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Năm 2008: tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%. Năm 2016 (sau 8 năm): tăng từ 65% lên 70%; năm 2019 (tiếp sau 3 năm) tăng từ 70% lên 75%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế thì mức thuế vẫn còn thấp (tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%) và chỉ có tác động giảm tiêu thụ vào năm tăng thuế sau đó lại tăng trở lại.

Do vậy, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Bộ Tài chính xét thấy cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, cũng như theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, nên cân nhắc đưa các loại thuốc lá mới phát sinh trên thị trường vào đối tượng chịu thuế TTĐB để dự phòng quy định về thuế TTĐB định hướng tiêu dùng, góp phần giảm việc tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe theo khuyến cáo của WHO và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, cũng như căn cứ Điều 6 Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá.

Đối với nước giải khát có đường, theo bà Trần Thị Tuyết, cần tính đến việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB theo định hướng của Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và theo kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025.

Đối với đồ uống có cồn, hiện nay, thuế rượu bia ở Việt Nam còn ở mức thấp, theo tính toán mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85% giá bán lẻ, cụ thể thuế suất TTĐB đối với: Rượu, đồ uống có chứa cồn thực phẩm dưới 20 độ là 35%; đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia là 65%.

Mức điều chỉnh tăng thuế TTĐB với sản phẩm rượu bia theo Luật Thuế TTĐB chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Do đó, để bảo đảm không gia tăng sử dụng rượu, bia trong thời gian tới, cần thiết điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn.

Tại Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra mục tiêu cải cách tổng quát cho từng sắc thuế, trong đó thuế TTĐB: “Xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ôtô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế...".

Hải Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam