Hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển

19:12 | 25/05/2023 Print
(TBTCO) - Loại hình du lịch nông nghiệp chưa được đề cập cụ thể, nổi bật trong các quy định về tài nguyên du lịch, về hoạt động du lịch; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển du lịch nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp…. Do đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Phát triển nhỏ lẻ, thiếu chiến lược bài bản, chuyên nghiệp

Để bàn giải pháp thúc đẩy bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển, chiều 25/5, tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch, Xây dựng quốc gia đã diễn ra Hội nghị giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Tổng cục Du lịch tổ chức.

Đây là lần đầu tiên một sự kiện bàn về các giải pháp và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp quy mô được diễn ra, với mục tiêu có một chương trình hành động với các giải pháp kết nối nhằm tạo động lực, xung lực mới phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển
Toàn cảnh hội nghị "Giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư: Bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam". Ảnh: TN

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư bằng các nguồn lực tài chính, tư duy quản trị, nhân lực chất lượng cao… tham gia cải tạo các bất động sản nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường bất động sản.

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hội thảo tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản và địa phương, các ngành nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nông - lâm - ngư nghiệp phục vụ ngành du lịch. Một trong các vấn đề quan trọng là: sự đồng bộ về luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực: Du lịch - Bất động sản - Nông nghiệp - với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

"Chính sách phát triển du lịch nông nghiệp đã được Chính phủ quan tâm tạo động lực cho lĩnh vực này phát triển. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp" - PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nói.

Ông Nguyễn Văn Chung - Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Ngày 24/5/2022 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

“Ngày 21/6/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý cho xây dựng nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như trên, khi được Chính phủ ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả chủ trang trại và cơ quan quản lý nhà nước; tạo hành lang pháp lý để kinh tế trang trại phát triển” - ông Chung nhấn mạnh.

Tháo gỡ rào cản pháp lý để bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển

Du lịch nông nghiệp (Farmsaty) là chỗ ở, nơi nghỉ dưỡng cho du khách khi đến với trang trại để trải nghiệm các công việc hằng ngày của một người nông dân, tận hưởng không gian yên tĩnh, tham gia vào các hoạt động của nông trại.

Bản chất của Farmstay phải là một nông trại thực thụ (không phải các mảnh vườn nhỏ kèm theo những căn nhà được phân lô trong một dự án).

Hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển
Cần hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển. Ảnh: TN

Tại Farmstay khách du lịch có thể thử làm nông dân, trực tiếp tham gia vào canh tác, nuôi trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cấy - gặt lúa, trồng cây ăn quả hay rau xanh… Những sản phẩm thu hoạch được có thể sử dụng làm nguyên liệu nấu ăn tại nơi nghỉ dưỡng.

Chủ nhân của Farmstay sẽ nhận được một khoản tiền từ việc cung cấp nơi ở, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp và bán sản phẩm từ nông trại cho du khách. Một dịch vụ du lịch nông nghiệp ấn tượng là một Farmstay tạo ra trải nghiệm của khách hàng xuất phát từ chính tình yêu, sự am tường và thấu hiểu đối với thiên nhiên, cây trồng của người chủ trang trại.

Farmstay thường được xây dựng ở những vùng có điều kiện tự nhiên ưu đãi, vùng quê hoặc đồi núi có không gian rộng thoáng, rất phù hợp cho những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm thực tế và độc đáo về nông nghiệp và văn hóa bản địa, vùng miền. Đó là chưa kể Farmstay còn rất phù hợp để đổi mới giáo dục, đưa trẻ em gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện tính tự giác, tự lập… nên được nhiều gia đình trẻ ưa chuộng và lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần.

PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, loại hình du lịch nông nghiệp chưa được đề cập cụ thể, nổi bật trong các quy định về tài nguyên du lịch, về hoạt động du lịch; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển du lịch nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp; hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch nông nghiệp…, chưa được Luật Du lịch quy định cụ thể. Đây cũng là rào cản pháp lý cho loại hình du lịch này phát triển.

Để thúc đẩy bất động sản du lịch nông nghiệp phát triển, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản…, cần bổ sung một số điều tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh, sau đó cụ thể hóa hơn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành./.

Văn Tuấn

© Thời báo Tài chính Việt Nam