Hà Nội đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút đầu tư

10:30 | 26/05/2023 Print
(TBTCO) - Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững nên các chỉ tiêu về kinh tế, đầu tư của TP. Hà Nội đến nay đạt kết quả cao. Thời gian tới, Thủ đô tiếp tục đổi mới sáng tạo, là hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Hà Nội đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút đầu tư

Đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố trong nửa nhiệm kỳ, về kinh tế, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2022, tổng thu ngân sách nhà nước vượt gần 20% dự toán. Đầu tư công được thực hiện tập trung, cơ bản khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải. Tổng mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của thành phố là 364.678 tỷ đồng; kế hoạch vốn trung hạn đã bố trí năm 2021, 2022, 2023 hơn 143.770 tỷ đồng, đạt 39,7% tổng kế hoạch vốn. Giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, bình quân tăng 7,07%/năm...

Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD, chiếm 66,6% - đây là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD tăng 260% so với cùng kỳ.

Tập trung 3 động lực tăng trưởng

Đầu tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội. Tại buổi làm việc, TP. Hà Nội đã đề xuất 31 kiến nghị cụ thể thuộc 4 lĩnh vực, trong đó 17 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 14 kiến nghị thuộc các bộ, ngành nhằm tạo động lực phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản nhất trí xem xét, giải quyết; đồng thời giao các bộ, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn thành phố thực hiện theo quy định và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chính quyền TP. Hà Nội phải nắm bắt tình hình, vận dụng sáng tạo vào tình hình thành phố và cả nước; khẩn trương hoàn thành quy hoạch thành phố và các quy hoạch liên quan; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng xử lý các vấn đề gần đây.

Trong đó, TP. Hà Nội cần khắc phục các yếu kém của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thực hiện miễn giảm thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại, giãn hoãn nợ, nhóm nợ; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân.

Hà Nội phải huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, trong đó thực hiện các mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư", "đầu tư công, quản lý tư", "đầu tư tư, sử dụng công".

Hà Nội đóng góp gần 13% GDP của cả nước

Với vai trò đặc biệt quan trọng, Thủ đô Hà Nội là trái tim, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước, với diện tích lớn thứ 17 trên thế giới; có 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400 km2. Hà Nội hiện đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.

Nguyên Phương

© Thời báo Tài chính Việt Nam