Bình Phước: Nhiều vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực buôn lậu

10:26 | 26/05/2023 Print
(TBTCO) - Theo phản ánh của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Phước, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính trong quá trình xử phạt do quy định chưa rõ ràng, nhất quán, hoặc do cách hiểu chưa đúng, áp dụng pháp luật chưa thống nhất.
Lực lượng Bình Phước gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính
Hải quan Bình Phước kiểm kê hàng vi phạm pháp luật về hải quan. Ảnh: N.Hiền

Cụ thể: Tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020) quy định có 8 tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ phần lớn còn quy định khá chung chung, định tính và chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trên thực tế.

Ví dụ: "Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại"; “Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; “Vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu”.

Do vậy, cán bộ thực thi pháp luật thường có tâm lý “sợ sai” nên luôn chọn phương án không áp dụng cho "an toàn", đồng thời dẫn đến tình trạng mỗi nơi hiểu mỗi khác, thiếu thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

Tại Khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chỉ có các trường hợp sau là xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản đó là “xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức”.

Các trường hợp còn lại đều phải lập biên bản vi phạm hành chính (theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Tuy nhiên, Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm để xử phạt hành chính lại quy định “Việc xử phạt hành chính được căn cứ vào hồ sơ vụ vi phạm do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến”, có nghĩa là khi cơ quan tố tụng hình sự chuyển hồ sơ vi phạm thì không phải lập biên bản vi phạm hành chính nữa mà căn cứ vào hồ sơ của cơ quan tố tụng để xử phạt. Như vậy có mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính hay không?

Tại Điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định “Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện… Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

Thời hạn thông báo 1 năm là quá dài để xử lý một vụ việc vi phạm hành chính, khiến cho tang vật, phương tiện bị tạm giữ lâu ngày không được xử lý có thể bị hư hỏng, suy giảm về chất lượng…; ngoài ra, còn làm tăng số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ do phải chờ đúng thời gian để xử lý, gây tồn đọng, đầy ứ. Một số đơn vị các chức danh có thẩm quyền xử phạt có thể luân chuyển, điều động công tác giữa các đơn vị dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng Bình Phước gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: TL.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng nêu tại Khoản 5b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: “Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: a) Động vật, thực vật sống; b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật”.

Việc quy định bắt buộc phải niêm phong đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt đối với các tang vật cồng kềnh, khó niêm phong, khó bảo quản; thêm thủ tục, kéo dài làm phức tạp quy trình xử lý đối với 1 vụ vi phạm hành chính.

Khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: "Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đang giải quyết vụ việc lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo người có thẩm quyền tạm giữ về tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã tạm giữ để xem xét ra quyết định tạm giữ".

Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: "Thời hạn tạm giữ tang vật ... được tính từ thời điểm tang vật bị tạm giữ thực tế".

Vì vậy, trong trường hợp người lập biên bản tạm giữ báo cáo về việc tạm giữ tang vật trong thời hạn 24 giờ và người có thẩm quyền tạm giữ quyết định ban hành quyết định tạm giữ tang vật, thì thời hạn tạm giữ được thể hiện trong quyết định tạm giữ là thời điểm tạm giữ thực tế hay thời điểm ban hành quyết định tạm giữ?

Căn cứ các quy định nêu trên, việc xử lý vi phạm đang gặp nhiều khó khăn, những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật cần sớm được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nói chung và xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng.

Hồng Vân

© Thời báo Tài chính Việt Nam